Trung Quốc vấn đề khủng hoảng niềm tin

Tamnhin.net: Trung Quốc triệu tập Hội nghị tôn giáo toàn quốc họp trong hai ngày từ 22/4 23/4/2016. Đáng lưu ý Hội nghị này do Trung ương Đảng chủ trì, tất cả Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đều tham dự trừ Trương Cao Lệ đang ở Liên Hợp Quốc. Dư luận cho rằng đây là Hội nghị chấn chỉnh niềm tin và pháp chế hóa vấn đề tôn giáo.

Hội nghị tôn giáo

Báo chí Trung Quốc ngày 24/4/2016 cho biết, Hội nghị công tác tôn giáo toàn quốc họp tại Bắc Kinh trong hai ngày 22/4 -23/4/2016, tất cả Ủy viên Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc đều tham dự trừ Trương Cao Lệ hiện đang công tác nước ngoài. Hội nghị do Thủ tướng Lý Khắc Cương chủ trì, Tổng bí thư Tập Cận Bình đọc diễn văn chỉ đạo. Sự kiện này làm dư luận thế giới lưu ý, bởi vì sau khi phong trào “Pháp Luân Công” bị đàn áp đã xảy ra sự kiện nhà sư tự thiêu ở Thiên An Môn. Tháng 12/2001 Giang Trạch Dân đã triệu tập Hội nghị công tác tôn giáo toàn quốc cho tới nay là 15 năm thì mới có một Hội nghị tương tự do Tập Cận Bình lại triệu tập. Bởi vì, các Hội nghị công tác tôn giáo toàn quốc thường chỉ ở cấp bậc Cục trưởng Cục tôn giáo nhà nước triệu tập và chủ trì.

Dư luận báo chí nước ngoài cho rằng điều này chứng tỏ vấn đề tôn giáo ngày càng trở nên phức tạp ở Trung Quốc, nhất là tình trạng khủng hoảng niềm tin của cán bộ đảng viên và dân chúng, ngày càng nhiều người tìm đến cửa thiền để lấy lại niềm tin trong khi công tác quản lý tôn giáo có nhiều bất cập. Bởi vậy, Hội nghị lần này được tổ chức ở quy mô và cấp bậc cao nhất để chấn chỉnh công tác tôn giáo.

Phát biểu trong Hội nghị, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “Vấn đề tôn giáo luôn luôn là vấn đề trọng đại mà Đảng ta phải xử lý tốt trong quản lý và điều hành đất nước. Công tác tôn giáo mang tính quan trọng đặc biệt trong toàn bộ công tác của Đảng và Nhà nước. Nó liên quan tới đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước.” Ông Tập Cận Bình đã ra lời khuyến cáo “Đảng viên Cộng sản phải kiên trì là người vô thần mác-xit, tuân thủ Điều lệ Đảng, phải kiên định lý tưởng và niềm tin, phải luôn ghi nhớ tôn chỉ mục đích của Đảng, không thể đi tìm niềm tin và lý tưởng của mình trong tôn giáo.”

Tiếp đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh “2 mục tiêu và một biện pháp” đối với công tác tôn giáo hiện nay. Hai mục tiêu gồm: Một là, phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tôn giáo. Hai là, phải đảm bảo phương hướng Trung Quốc hóa tôn giáo, kiên quyết chống lại sự can thiệp quốc tế vào công tác tôn giáo. “Một biện pháp” là pháp chế hóa công tác tôn giáo, dùng luật pháp để xử lý các mối quan hệ xã hội liên quan tới tôn giáo. Nghĩa là phải dựa vào luật pháp để quản lý các tín đồ tôn giáo, phòng ngừa lợi dụng tôn giáo để biểu tình chống lại nhà nước.

Tờ “Nhân dân nhật báo” có bài xã luận nhấn mạnh “Sự tồn tại của tôn giáo ở Trung Quốc mang tính lâu dài, quốc tế hóa và rất phức tạp. Toàn thể đảng viên ĐCS phải kiên trì ủng hộ phương châm Trung Quốc hóa tôn giáo, phải nâng cao trình độ pháp trị hóa công tác tôn giáo.”

Mạng tin “Đa chiều” ngày 25/4/2016 cho rằng sở dĩ ĐCS Trung Quốc và TBT Tập Cận Bình rất coi trọng Hội nghị công tác tôn giáo lần này do những nguyên nhân sau:

- Một là, tình hình tôn giáo trên thế giới hiện nay rất phức tạp. Mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc ngày càng trở nên nghiêm trọng và gay gắt, thậm chí trở thành công cụ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tác động không nhỏ tới an ninh xã hội các nước. Trong khi đó, Mỹ và các nước Phương tây luôn lên án Trung Quốc không có tự do tôn giáo và tín ngưỡng, dùng tôn giáo can thiệp vào nội bộ Trung Quốc, nhất là xúi bẩy chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo Tân Cương.

- Hai là, nội bộ Trung Quốc hiện nay có ba loại tôn giáo là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo đều là nguồn gốc từ nước ngoài xâm nhập vào Trung Quốc, nhất là tín đồ Thiên chúa giáo và Hồi giáo phát triển ngày càng nhanh, như có tới 70 -80 triệu tín đồ Thiên chúa giáo, tín đồ Hồi giáo tới hàng chục triệu người. Thời gian qua, thế lực nước ngoài lợi dụng hai loại tôn giáo này tiến hành hoạt động chống đối, thậm chí tấn công khủng bố gây mất trật tự trị an ở trong nước. Bởi vậy, lãnh đạo Trung Quốc trong Hội nghị này đặc biệt nhấn mạnh phải “Trung Quốc hóa tốn giáo”.

- Ba là, tình trạng khủng hoảng niềm tin của cán bộ, đảng viên, dân chúng ngày càng tăng lên. Họ tìm tới cửa thiền để lấy lại niềm tin từ đó làm đảng viên sa sút niềm tin vào Đảng. Thậm chí thời gian qua một số đảng viên là quan chức tham nhũng thường dựa vào các nhà sư, các pháp sư làm bùa hộ mệnh để tránh vòng lao lý của Pháp luật. “Báo cáo điều tra về tu dưỡng công chức từ cấp huyện trở lên” công bố thời gian qua cho thấy có tới trên 50% tin vào nhà chùa hơn là tin vào Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, “Bốn tin tưởng” do Đảng đưa ra đối với đảng viên gồm “Tin vào đường lối, tin vào lý luận, tin vào chế độ, tin vào văn hóa” đã bị sói mòn. Bởi vậy, đây là Hội nghị lấy lại niềm tin vào Đảng.

- Bốn là, do cơ chế thị trường xâm nhập nên tình trạng thương mại hóa và tiêu cực ở các chùa chiền ngày càng nghiêm trọng, nhất là các Khu di tích tôn giáo sau khi được công nhận đều trở thành khu thương mại, khu khách sạn. Chính quyền lợi dụng các khu di tích tôn giáo để kiếm tiền làm giàu.

Tạp chí “Văn hóa cuối tuần” của Trung Quốc năm 2010 cho biết, Khu đền Võ Lăng trước khi được công nhận khu di tích cấp quốc gia là nơi tĩnh mịch, linh thiêng. Nhưng tháng 12/1992 khi được công nhân là “di tích văn hóa” thì lập tức hơn 400 khách sạn, nhà hàng mọc lên. Thành phố thương mại bao vây các chùa chiền, tiếng nhạc và Kara Ok át hẳn tiếng tụng kinh niệm Phật. Khu thành cổ Bình Dao thuộc tỉnh Sơn Tây trước khi được công nhân là vùng thiên nhiên đẹp đẽ, linh thiêng. Nhưng sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa năm 1997 thì lập tức hàng trăm nhà hàng khách sạn mọc lên và trở thành Trung tâm thương mại, thành “cây hái tiền” của quan chức và thương nhân.

Thiếu Lâm Tự hơn 10 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO không còn bản chất như xưa mà bị thương mại hóa nghiêm trọng. thậm chí một số học giả thốt lên “Thiếu Lâm Tự đã thành Tập đoàn McDonald” với nhiều “chiêu kinh doanh mới”. Giáo sư Long Kinh Hồng, Phó Giám đốc Học viện quản lý du lịch Đại học Trịnh Châu nói” Thiếu Lâm Tự đã lập ra các công ty, các lớp quản trị kinh doanh, các giám đốc điều hành, có nhiều thương phẩm được đăng ký thương hiệu. Đây là điều không thể chấp nhận được.” Thậm chí Thượng tọa Phương Trượng Thích Vĩnh Tín trụ trì Thiếu Lâm Tự có con riêng làm dư luận lên án.

Một số học giả khác cho biết nhiều nhà sư đưa ra phương châm “Cửa thiền phi thương bất phú”, nên nhiều chùa chiến lao vào cuộc cạnh tranh thương mại và kinh tế. Văn hóa Phật giáo và chùa chiền hiện nay dường như mất chức năng đạo giáo, cao thượng, thanh đạm, mà trở thành một thực thể thế tục tầm thường. Nhiều người tìm đến cửa thiền không phải để thoát tục, tĩnh tâm mà tìm cơ hội phất lên giàu có và lấy niềm tin cho mình./.

Kiều Tỉnh

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/trung-quoc-van-de-khung-hoang-niem-tin-101559.html