Trung Quốc trong xu hướng trật tự thế giới đa cực

Trung Quốc và một số quốc gia châu Á vừa bước vào năm 2024 - năm con rồng theo lịch âm. Các chuyên gia cho rằng, năm đặc biệt này mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Trung Quốc. Trong bối cảnh nhiều cuộc xung đột nóng đang diễn ra, Trung Quốc đã và đang định hình mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga và các khu vực địa lý như châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông, châu Á.

Trật tự thế giới đa cực đang nổi lên như một xu hướng không thể đảo ngược. Đây là cơ hội để các quốc gia cùng tham gia vào kiến tạo các luật chơi của thế giới. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng, củng cố mối quan hệ với các đối tác và khu vực địa lý.

Trung Quốc và Mỹ

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, được đánh dấu bằng tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2023 đạt 17,52 nghìn tỷ USD. Đây là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Tuy nhiên, tình hình chính trị và các cuộc xung đột công nghệ bắt đầu gây hậu quả khi khối lượng thương mại song phương giảm xuống còn 664,4 tỷ USD lần đầu tiên sau 4 năm.

Mặt khác, thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm, ở mức 279,4 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ, với 769,6 tỷ USD tính đến năm 2023.

Minh họa của Pixabay

Tất cả những điều này nêu bật sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến việc "quản lý" mối quan hệ song phương một cách thận trọng là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ luôn đúng cho dù ai là người lên nắm quyền ở Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Trung Quốc và Nga

Nga đã nổi lên như một đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Hai nước đã tăng cường mối quan hệ thông qua các lợi ích chung và mối quan hệ kinh tế gắn bó giữa họ được minh chứng bằng dự án đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia cũng như sự tăng trưởng của thương mại song phương. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của họ gần đây đã đạt mức cao kỷ lục, với thương mại song phương đạt 240,1 tỷ USD vào năm 2023. Điều này củng cố mối liên minh ngày càng sâu sắc giữa hai gã khổng lồ khi họ phải đối mặt với những động lực toàn cầu đang thay đổi.

Trung Quốc và châu Âu

Năm ngoái đánh dấu kỷ niệm 20 năm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, với thương mại hai chiều đạt 800 tỷ USD trong năm đó.

Mặc dù sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh trên thị trường châu Âu đã giúp nước này trở thành một đối tác quan trọng bậc nhất, nhưng những căng thẳng địa chính trị, sự mất lòng tin ngày càng trầm trọng và những bất bình thương mại của EU đã góp phần làm thay đổi mô hình đầu tư của Trung Quốc trong khu vực. Điều này có nghĩa là cả hai bên phải tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở và độc lập để quản lý những rủi ro tiềm ẩn và ngăn ngừa những thất vọng trong tương lai.

Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu Á là không thể phủ nhận và sự hiện diện của Bắc Kinh ở khu vực ngày càng được củng cố. Khi các nước trong khu vực tìm kiếm quan hệ đối tác kinh tế và hợp tác chiến lược, họ ngày càng hướng về Bắc Kinh.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký kết vào năm 2020, đã tạo ra một khối thương mại đại diện cho 30% nền kinh tế toàn cầu. Thương mại trong khu vực cũng đã đạt gần 2 nghìn tỷ USD trong năm qua, làm nổi bật thêm mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các nước châu Á và thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại các chính sách bảo hộ.

Trung Quốc và châu Phi

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi đang tăng lên nhanh chóng, với khối lượng thương mại đạt gần 300 tỷ USD. Là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa, với hy vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, có những lo ngại về việc các nước châu Phi trở nên quá phụ thuộc vào chủ nợ Trung Quốc và một số lo ngại rằng những nguồn tài chính mà Trung Quốc đang đổ vào châu Phi có thể kéo theo những phụ thuộc về mặt chính trị. Do đó, những vấn đề này đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách các quốc gia châu Phi có thể cân bằng giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ tính tự quyết và chủ quyền của mình.

Trung Quốc và Trung Đông

Ở Trung Đông, Trung Quốc đang tập trung vào các vùng đất giàu tài nguyên và các hành lang chiến lược. Nguyên nhân chính là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng của nước này có mối liên hệ chặt chẽ với sự ổn định của khu vực. Vào năm 2022, thương mại của Bắc Kinh với khu vực lên tới hơn 500 tỷ USD và nhập khẩu năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Ngoài ra, các dự án BRI của Trung Quốc đã được mở rộng ở khu vực, với các khoản đầu tư của Trung Quốc không ngừng tăng lên ở Trung Đông, khiến mối quan hệ của họ không chỉ dừng lại ở dầu mỏ.

Bất chấp lợi ích kinh tế, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngoại giao trong việc cân bằng sự ổn định giữa các nước Ảrập và Israel, bao gồm cả cuộc xung đột ở Gaza.

Năm 2023, tổng thương mại giữa Trung Quốc và Israel lên tới hơn 20 tỷ USD, trong khi thương mại giữa Trung Quốc và Palestine là hơn 150 triệu USD vào năm trước đó. Điều này cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với thách thức trong việc thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình trong khu vực trong khi phải giải quyết sự phức tạp của tình hình địa chính trị.

Với cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza, Trung Quốc có thể thể hiện kỹ năng ngoại giao của mình bằng cách đóng vai trò trung gian hòa giải, trong bối cảnh Mỹ tỏ ra không muốn hành động một cách quyết liệt trong việc thúc đẩy một hiệp định ngừng bắn.

Khối BRICS

Giữa các mối quan hệ toàn cầu phức tạp, khối các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã nổi lên như một nhân tố quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới mới. Sức mạnh kinh tế tổng hợp của các quốc gia phát triển và mới nổi này thách thức sự thống trị của thế giới phương Tây. Liên minh này được thúc đẩy bởi các mục tiêu phát triển chung và cam kết về một trật tự thế giới đa cực, nhằm cải cách cơ cấu quản trị toàn cầu.

Tính đến năm 2023, các quốc gia BRICS là nơi sinh sống của hơn 40% dân số thế giới và đóng góp vào gần 1/4 GDP toàn cầu. Các nước BRICS đang nỗ lực tạo dựng những luật chơi mới với các sáng kiến như Ngân hàng Phát triển mới và Thỏa thuận Dự trữ ngẫu nhiên.

Trong bối cảnh các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Gaza, cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức. Nguyên tắc không can thiệp của Trung Quốc phù hợp với các nguyên tắc của BRICS, vì nước này tìm kiếm mối quan hệ cân bằng giữa việc hỗ trợ các đồng minh và duy trì quan điểm trung lập. Mặc dù sự tham gia của Trung Quốc có thể chỉ giới hạn ở các nỗ lực kinh tế và ngoại giao, nhưng việc tránh tham gia quân sự thể hiện cam kết ổn định và cách tiếp cận thận trọng đối với các xung đột quốc tế.

Trong lịch sử và văn hóa một số nước châu Á, con rồng là biểu tượng của sức mạnh. Năm rồng vì vậy được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sinh vật thần thoại và hùng vĩ này chỉ có thể thành công nếu tiếp tục đặt trọng tâm vào hợp tác đồng thời kiểm soát cẩn thận tham vọng của mình để tránh xung đột địa chính trị.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trung-quoc-trong-xu-huong-trat-tu-the-gioi-da-cuc-i360537/