Trung Quốc sẽ thắt chặt tiền tệ tới đâu?

(Stox.vn) - Trung Quốc gần đây đã đi trước nhiều nước và rất quyết liệt trong việc thắt chặt tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát và các nhà phân tích cho rằng nước này sẽ chưa chịu dừng lại.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng lại tại đây trong cuộc chiến chống lại sự tăng vọt của giá cả cũng như việc kiềm chế sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất hoặc sử dụng một số nghiệp vụ gián tiếp khác như áp dụng yêu cầu dự trữ bắt buộc (hiện đã lên tới mức kỷ lục 19,5% đối với một số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc). Theo sau quyết định nâng lãi suất mới nhất của mình, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thiết lập cặp tỷ giá Nhân dân tệ/ USD ở mức cao nhất 17 năm trở lại đây, tỷ giá tham chiếu NDT/USD được cố định ở mức 6,5850 NDT/USD so với mức 6,5860NDT/USD trước đó. Mark Williams, nhà kinh tế học cao cấp về Trung Quốc thuộc Capital Economics dự đoán sẽ có một lần nâng lãi suất nữa trong năm nay, có thể rơi vào quý II. Các quan chức chính phủ Trung Quốc đang phải đau đầu nỗ lực thực hiện hai mục tiêu: tăng trưởng để có thể thúc đẩy thị trường việc làm và đời sống xã hội; mục tiêu còn lại là đẩy lùi lạm phát với giá cả đang tăng với tốc độ trung bình hơn 5% cũng như kiểm soát hoạt động đầu cơ bất động sản. Nhưng những người hoài nghi không tin rằng chính phủ Trung Quốc có thể cùng đạt được tất cả các mục tiêu đó. Trong một động thái mới nhất của mình, Trung Quốc đã nâng tỷ lệ thế chấp đối với các khoản vay kỳ hạn trên 5 năm từ quỹ hỗ trợ mua nhà lần đầu cho người dân lên 4,5% từ mức 4,3% trước đó. Tỷ lệ thế chấp đối với các khoản vay kỳ hạn 5 năm hoặc thấp hơn cũng được tăng 25 điểm cơ bản lên 4%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc BoC chắc chắn sẽ cần phải nâng lãi suất cơ bản trong những tháng tới khi lãi suất tiền gửi vẫn duy trì dưới gần 2% tốc độ tăng giá tiêu dùng, tạo lý do cho người gửi tiết kiệm đổ tiền vào các hàng hóa và tài sản khác. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ duy trì lạm phát ở mức 4% trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc được công bố trong tuần tới dự báo sẽ chạm con số 5,3% trong tháng 1, tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tốc độ lạm phát của Trung Quốc trên thực tế vẫn thấp hơn một số nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, Nga, Ấn Độ hay Argentina, nơi giá tiêu dùng tăng tới 10,9% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước đó. Tại thời điểm trước khủng hoảng, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 7,47%, cao hơn 1,41% so với mức lãi suất hiện nay. Do đó, Isaac Meng, nhà kinh tế học thuộc BNP Paribas dự đoán lãi suất tại Trung Quốc có thể tăng thêm 1,5 điểm phần trăm. Xu Biao, nhà kinh tế học thuộc China Merchants Bank nhận định đây có thể là lần nâng lãi suất đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng trong năm nay. “Nếu lạm phát trong tháng 2 vẫn ở mức cao, ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất”. Theo Wang Qing, nhà kinh tế học thuộc Morgan Stanley Hong Kong, chính quyền của Thủ tương Ôn Gia Bảo vẫn chưa đưa lãi suất trở về mức của thời kỳ trước khủng hoảng trong khi tìm cách giữ vững sự tăng trưởng 10% của nền kinh tế. Với những rủi ro xuất phát từ sự tăng trưởng nóng trong nửa đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách chắc chắn sẽ nâng lãi suất thêm cũng như yêu cầu các ngân hàng hút tiền ra khỏi hệ thống và cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá để xoa dịu áp lực giá cả. Trước đó, tổ chức tài chính Nomura Holding Inc. đã dự đoán ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tăng lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm lên mức 6,81% từ mức 5,81% và cho phép đồng Nhân dân tệ tăng khoảng 6% so với đồng USD trong năm nay. Các nhà kinh tế cuối năm ngoái đã dự báo lãi suất tiền gửi 1 năm tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay có thể lên tới 3,25%. Động thái thắt chặt tiền tệ của Bắc Kinh được đưa ra trong thời điểm lãi suất tại Mỹ và Châu Âu hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Thị trường thế giới có thể sẽ chứng kiến nhiều lần tăng lãi suất thường xuyên của chính phủ Trung Quốc khi sự chững lại trong tăng trưởng của quốc gia này trở nên không thể tránh được. Nhưng cuối cùng, động thái thắt chặt tiền tệ ngược lại sẽ được coi như một dấu cho thấy sức mạnh kinh tế đủ lớn với động lực tăng trưởng vững chắc, theo đó cho phép các nhà hoạch định chính sách nâng lãi suất. Và do đó, thị trường thế giới sẽ phản ứng tích cực hơn với những động thái tương tự trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Anh Đặng (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/75369/1/201/trung-quoc-se-that-chat-tien-te-toi-dau.stox