Trung Quốc ra tối hậu thư chặn đà tăng giá quặng sắt và nguy cơ 'chuốc họa vào thân'

Trung Quốc sẽ không thể tạo ra nhiều tác động lên các nguyên tắc của bảng cân đối cung và cầu hàng hóa, mà không có nguy cơ 'chuốc họa vào thân'.

Trung Quốc hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung quặng sắt từ Australia. Ảnh: Mỏ khai thác quặng sắt của Fortescue Metals Group tại Christmas Creek, Australia. (Nguồn: Fortescue Metals Group)

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát yếu tố đầu cơ, vốn đang khiến giá hàng hóa kim loại thô tăng cao, dường như đang phát huy tác dụng, ít nhất là ở mức ban đầu.

Trong bài viết đăng trên tờ Sydney Morning Herald ngày 25/5, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz cho biết, vào cuối tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển của Trung Quốc đã triệu tập một loạt giám đốc cấp cao của các công ty thuộc ngành công nghiệp vật liệu kim loại và cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi đầu cơ quá mức, tung tin tức giả mạo, tích trữ, cố định giá và các hoạt động "bất hợp pháp" khác.

Động thái này khiến giá quặng sắt tại thị trường nội địa Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh.

Ảnh hưởng tới nguyên tắc cung cầu

Cách tiếp cận "không khoan nhượng" của các quan chức chính phủ Trung Quốc tại cuộc họp với giám đốc điều hành của các công ty kinh doanh quặng sắt, thép, đồng, than và nhôm nhằm đối phó với sự bùng nổ giá hàng hóa do ảnh hưởng từ giá quặng sắt và đồng hiện ở mức cao kỷ lục.

Tối hậu thư mà các nhà chức trách Trung Quốc đưa ra có hiệu lực ngay lập tức, khiến giá quặng sắt chủ chốt đã giảm xuống dưới mức 200 USD/tấn, thấp hơn so với mức kỷ lục 237,57 USD/tấn được ghi nhận hai tuần trước.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những khuyến cáo dành cho các giám đốc điều hành về hình phạt mà họ sẽ phải gánh chịu nếu không hoàn thành "trách nhiệm xã hội" và duy trì "môi trường giá cả có trật tự" đối với hàng hóa, một số hoạt động thương mại hàng hóa khác trên thị trường có thể bị ảnh hưởng.

Về cơ bản, Trung Quốc sẽ không thể tạo ra nhiều tác động lên các nguyên tắc của bảng cân đối cung và cầu hàng hóa, mà không có nguy cơ "tự chuốc họa vào thân". Trong nhiều tháng nay, giá hàng hóa, đặc biệt là giá quặng sắt và đồng, đã liên tục tăng cao, mặc dù không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của riêng Trung Quốc.

Quốc gia châu Á đã đối phó với sự suy giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 bằng cách tăng nguồn cung tín dụng và chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng do nhà nước chỉ đạo. Bên cạnh đó, cường quốc lớn thứ hai thế giới còn thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến sản xuất thép.

Những chương trình kích thích tài chính khổng lồ đã giúp nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt tay vào một chương trình chi tiêu tích cực và mở rộng hơn nhiều so với Trung Quốc. Thêm vào đó, sự phục hồi tại châu Âu dường như đang tạo ra nhiều kết quả tích cực. Một số nền kinh tế lớn cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nguyên liệu thô trong các hoạt động công nghiệp.

Trung Quốc mới đây nhất đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu và dỡ bỏ chính sách hoàn thuế đối với một số mặt hàng thép xuất khẩu. Ngoài ra, chính phủ cũng tạm thời loại bỏ thuế áp dụng đối với một số mặt hàng sắt thép phế liệu, để cố gắng tăng nguồn cung nguyên liệu thô trong nước và gây áp lực giảm giá.

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm kiềm chế tình hình lạm phát và tăng trưởng tín dụng, làm giảm bong bóng tài sản và đòn bẩy, đồng thời cũng sẽ làm giảm chỉ số tăng trưởng và nhu cầu đối với hàng hóa tại giới hạn biên độ.

Cũng cần lưu ý rằng lần cuối cùng thế giới chứng kiến nhu cầu hàng kim loại thô bùng nổ và đạt đỉnh là vào một thập kỷ trước. Song ở thời điểm đó, không có bất kỳ sự bùng nổ lớn nào xảy ra trong nguồn cung các loại hàng hóa chủ chốt.

Chuỗi cung ứng thế giới đã bị gián đoạn do đại dịch và nhu cầu toàn cầu đang tiếp tục mạnh lên, giữ cho cán cân cung cầu chặt chẽ và có lợi cho các nhà sản xuất. Do đó, theo bài báo, các mục tiêu được nêu ra tại cuộc họp tuần trước của chính phủ Trung Quốc dường như liên quan nhiều đến hoạt động đầu cơ, hơn là hoạt động thực tế.

Nguy cơ phản tác dụng

Giá quặng sắt, cùng với việc Canberra đang chiếm ưu thế về nguồn cung kim loại của quốc gia châu Á và các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh đang áp dụng với một loạt sản phẩm có xuất xứ từ Australia, gây ra nhiều phỏng đoán về việc Trung Quốc có thể tăng cường biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt của Australia. Điều này khiến các nhà máy và thương nhân Trung Quốc có xu hướng tích trữ quặng sắt.

Trên khía cạnh vĩ mô, giá quặng sắt tăng cao đã lấn át gần như toàn bộ tác động tiêu cực mà lệnh trừng phạt của Trung Quốc giáng xuống các loại hàng hóa khác của Australia, qua đó làm suy yếu nỗ lực "hủy hoại" nền kinh tế xứ sở kangaroo của Bắc Kinh, nhằm trả đũa những hành động được cho là "không thích hợp" của Canberra liên quan tới lệnh cấm tập đoàn công nghệ Huawei tham gia kế hoạch triển khai mạng viễn thông 5G và một loạt các lý do chính trị khác.

Tại Trung Quốc, với các biện pháp kiểm soát vốn đang áp dụng, các nhà giao dịch sẽ càng bị hấp dẫn nhiều hơn bởi việc thu lợi từ hoạt động huy động vốn bằng đồng USD, bởi hầu hết các loại hàng hóa giao dịch đều được định giá bằng đồng tiền này. Đó là hoạt động thị trường tài chính mà chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn nhằm loại bỏ một số "luồng khí nóng" ra khỏi thị trường hàng hóa.

Tất nhiên, có thể hình dung được rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và giảm đòn bẩy kinh tế sẽ khiến nền kinh tế của nước này tăng trưởng chậm lại và nhu cầu về nguyên liệu thô yếu đi, mặc dù các nhà chức trách lưu ý rằng họ không muốn thắt chặt các điều kiện quá nhiều và càng không muốn tạo ra nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng đột ngột.

Trên thế giới, ngoài Australia, chỉ có duy nhất một nhà cung cấp quặng sắt lớn khác là Brazil, nhưng quốc gia này hiện đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất và không có khả năng tăng sản lượng đáng kể, ít nhất cho tới những năm cuối thập kỷ này.

Vì vậy, giá quặng sắt có thể sẽ nằm ở mức dưới 200 USD/tấn trong thời gian tới, nhưng gần như sẽ không có khả năng về dưới mức 90 USD/tấn như trong giai đoạn đầu của đại dịch vào một năm trước.

Tương tự, tăng trưởng nguồn cung mặt hàng đồng cũng bị hạn chế do không có sự phát triển khai thác mới, trong khi nhu cầu lại được bảo đảm nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Về lâu dài, nhu cầu đối với mặt hàng này sẽ càng tăng tốc nhanh hơn do tác động của các công nghệ hỗ trợ giảm lượng khí thải carbon và gia tăng tự động hóa.

Trung Quốc và các nền kinh tế tiêu thụ hàng hóa khác có thể không thích điều đó, nhưng mối đe dọa duy nhất đối với nhu cầu và giá cả của các loại hàng hóa kim loại thô trong vài năm tới chỉ có thể là một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lớn khác. Điều đó có thể xảy ra, nhưng chắc chắn Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng đều không mong muốn như vậy.

(theo Sydney Morning Herald)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-ra-toi-hau-thu-chan-da-tang-gia-quang-sat-va-nguy-co-chuoc-hoa-vao-than-146593.html