Xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng

Thanh Hóa có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, chứa đựng nét đặc sắc trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đã có hàng trăm sản phẩm tiêu biểu khẳng định được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, con số ấy vẫn khiêm tốn so với hệ sinh thái sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Do đó, các sở, ngành, địa phương đã và đang hỗ trợ để ngày càng nhiều sản phẩm đặc trưng xây dựng được thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Các sản phẩm đặc trưng của huyện Lang Chánh tham gia trưng bày, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.

Các sản phẩm đặc trưng của huyện Lang Chánh tham gia trưng bày, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.

Nói đến sản phẩm đặc trưng, sẽ ít có địa phương nào có số lượng nhiều, đa dạng lĩnh vực như ở Thanh Hóa. Trong đó, có nhiều sản phẩm có nét độc đáo, riêng biệt, mang đậm nét văn hóa truyền thống, lịch sử của vùng đất và con người xứ Thanh, như: Chiếu cói (Nga Sơn), Rượu Chi nê (Hậu Lộc), nem chua, bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), mắm tép Hà Yên (Hà Trung), trống đồng Thiệu Trung (Thiệu Hóa)... Những năm gần đây, có nhiều sản phẩm được người lao động, các chủ thể sản xuất nỗ lực “nâng tầm” trở thành những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, được khách hàng biết đến, như: Miến gạo Thăng Long, Chè Bình Sơn, nước mắm Vị Thanh, Mắm tôm Lê Gia... Song cũng không ít những sản phẩm đặc trưng của địa phương lại không phát huy được vị thế.

Nghề nấu rượu siêu men lá của huyện Lang Chánh vốn chứa đựng nét đặc trưng cho văn hóa địa phương, có tiềm năng phát triển. Trong đó, nguyên liệu tạo ra sản phẩm chính là các loại lá rừng, gạo nếp cộng với bí quyết lâu năm trong nghề của người dân địa phương đã tạo nên sản phẩm mang hương vị riêng biệt. Cùng với đó, huyện Lang Chánh đã tích cực hỗ trợ để “gắn sao OCOP” cho sản phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ. Với sự vào cuộc tích cực của địa phương và chủ thể, huyện Lang Chánh đã có sản phẩm rượu siêu men lá Bình An của hộ gia đình bà Ngân Thị Quyến, xã Trí Nang được chứng nhận OCOP 3 sao. Sau thời gian được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đầu tư mẫu mã, bao bì... song sản phẩm chưa thể khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Bà Ngân Thị Quyến, cho biết: Trợ lực từ sao OCOP đã giúp sản phẩm có thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới, đặc biệt, trở thành sản phẩm quà tặng tại các điểm du lịch của địa phương. Song chưa vươn xa được trên thị trường. Nguyên nhân chính là do gia đình chưa đủ tiềm lực để mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, nguyên liệu của sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào việc thu hái lá rừng của người dân nên việc sản xuất còn thụ động, chưa đủ năng lực để đáp ứng những đơn hàng lớn. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều sản phẩm làng nghề, như: nón lá Trường Giang (Nông Cống), tơ nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), làng nghề bánh đa nem Cầu Bố (TP Thanh Hóa)...

Theo thống kê của ngành chuyên môn, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp và hàng trăm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng có đủ điều kiện, khả năng để khẳng định vị thế, xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Song, bên cạnh đó lại có không ít những sản phẩm mới nhưng với sự “nỗ lực” không ngừng đã trở thành sản phẩm tiêu biểu, gắn liền với địa phương, được khách hàng biết đến và lựa chọn. Tiêu biểu như sản phẩm miến gạo Thăng Long (Nông Cống). Từ một sản phẩm du nhập về địa phương những năm 2000, được người dân lưu truyền và phát triển. Đến nay, tại thôn Tân Giao, xã Thăng Long đã có hàng trăm hộ gia đình “sống khỏe” với nghề. Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX sản xuất miến gạo Thăng Long, cho biết: So với những làng nghề miến dong Cẩm Bình (Cẩm Thủy), Miến dong Yên Lạc (Như Thanh) thì làng nghề miến gạo Thăng Long khá non trẻ. Song, chúng tôi chú trọng đầu tư dây chuyền, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng được chiến lược quảng bá sản phẩm nên khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm tốt hơn. Nhờ đó, chúng tôi xây dựng, khẳng định được thương hiệu miến gạo Thăng Long trên thị trường, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 800 tấn/năm. Hiện nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long đã được hội đồng cấp tỉnh đánh giá đủ điều kiện nâng hạng lên 4 sao OCOP và hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Để xây dựng được thương hiệu, nâng cao vị thế của những sản phẩm đặc trưng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền cho các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm đại diện cho địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, trang thiết bị và khoa học công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng tích cực tổ chức, khuyến khích các chủ thể sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư để tăng khả năng kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Bài và ảnh: Lê Thanh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-nhung-san-pham-dac-trung-31115.htm