Trung Quốc nhân danh khoa học, khuấy nước Biển Đông

Trong khi tình hình Triều Tiên nóng lên từng ngày, Trung Quốc đưa tàu lặn đến khu vực Biển Đông, nhân danh khoa học để thám hiểm.

TTXVN cho biết, ngày 26/4, tàu Giao Long sẽ tiến hành nhiệm vụ lặn đầu tiên tại Biển Đông trong năm nay nếu điều kiện thời tiết cho phép.

Ban Chỉ huy hiện trường giai đoạn 2 và tất cả nhân viên của tàu lặn Giao Long đã tiến hành sắp xếp cụ thể đối với số lần lặn và nhân viên thực hiện cuộc lặn trong giai đoạn này.

Tàu mẹ 'Hướng Dương Hồng 09' mang theo tàu Giao Long rời thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông bắt đầu chuyến thám hiểm ngày 6/2.

Theo nguồn tin, mục tiêu khoa học chủ yếu của giai đoạn này là tận dụng ưu thế lặn sâu của tàu lặn Giao Long, triển khai lựa chọn địa điểm vùng biển thử nghiệm cho hệ thống thu thập kim loại ở độ sâu 1.000 mét tại phía Bắc Biển Đông, thu thập tham số về địa chất đáy biển, môi trường biển sâu cần thiết cho công trình thử nghiệm khai thác quặng kim loại.

Chuyến thám hiểm này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 4 tháng. Đợt thử nghiệm lần này là một phần trong giai đoạn hai của cuộc thám hiểm đại dương lần thứ 38 của Trung Quốc.

Trước đó, hôm 22/4, tàu lặn Giao Long đã tiến hành một buổi lặn mô phỏng tại thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, trước chuyến thám hiểm đáy biển ở khu vực Biển Đông.

Tàu lặn Giao Long đã được thử nghiệm dưới mặt nước trong 18 phút trước khi trở về tàu mẹ Hướng Dương Hồng 09, hoàn thành các nhiệm vụ bao gồm huấn luyện dưới nước.

Zhang Weijia, người tham gia vào cuộc thử nghiệm chia sẻ với trang tin ECNS rằng cô đã học hỏi về các bộ phận, cách thức hoạt động và thoát hiểm khẩn cấp bên trong tàu lặn này.

Tàu lặn này đã hoàn tất hoạt động tại vùng biển sâu phía tây bắc Ấn Độ Dương đầu năm nay trong giai đoạn đầu tiên. Nó cũng sẽ khảo sát ở rãnh Yap và rãnh Mariana trong giai đoạn ba.

Địa điểm sâu nhất mà tàu lặn Giao Long từng hoạt động là sâu 7.062 m, nằm ở rãnh Mariana trong một nhiệm vụ hồi tháng 6/2012.

Trung Quốc đang có nhiều công trình khoa học dự kiến đưa xuống Biển Đông và nhân danh khoa học để hành xử.

Đầu tháng 3 vừa qua, tờ "Thời báo Hoàn Cầu" dẫn nguồn tin từ cổng thông tin điện tử của giới khoa học Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang ấp ủ dự định xây dựng đài quan sát ngầm dưới biển tại các ''vùng biển trọng yếu ở Biển Đông'' để quan sát các điều kiện dưới nước theo thời gian thực.

Được biết, đây sẽ là công trình cấp quốc gia và phục vụ công tác lâu dài. Nhân danh khoa học, giới chuyên gia Trung Quốc cho hay, đài quan sát này sẽ phục vụ công tác thăm dò các quá trình chuyển động mang tính vật lý, hóa học, sinh học và địa chất ngầm dưới biển, đồng thời cũng sẽ phục vụ nhiều mục đích khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ thống này không chỉ thu thập các thông tin về khoáng sản dưới lòng biển hay phục vụ khoan dầu, mà còn phục vụ cho các mục đích quân sự.

Trung Quốc hướng ra Biển Đông khi Triều Tiên tăng nhiệt

Động thái mới từ phía Trung Quốc khi đưa tàu lặn xuống Biển Đông rõ ràng đã khuấy động vùng biển này khi tình hình Triều Tiên tăng nhiệt.

Không chỉ đưa tàu lặn xuống thám hiểm đáy biển nhân danh khoa học, giữa lúc tình hình căng thẳng ở Triều Tiên, tờ Nhân Dân nhật báo, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 12/4 đã đồng loạt đưa tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật với nội dung chính là đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông "diễn ra gần đây".

2 chiến hạm lưỡng thê đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật xuyên ngày đêm liên tục trong vài ngày để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế của Hạm đội Nam Hải.

Cuộc tập trận này có nhiều khoa mục, bao gồm công - thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và tất cả nội dung đều sử dụng đạn thật, tên lửa thật.

Hình ảnh 2 tàu lưỡng thê đổ bộ Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, nguồn: Thời báo Hoàn Cầu.

Trung Quốc vẫn luôn giữ bí mật các thông tin cơ bản về hoạt động quân sự, tập trận của họ như thời gian, địa điểm. Nhưng Bắc Kinh thường chủ động tiết lộ thông tin về quy mô, nội dung, binh hỏa lực tham gia các cuộc tập trận này.

Đáng chú ý, trong lúc dư luận châu Á và thế giới đang đổ dồn về bán đảo Triều Tiên khi căng thẳng leo thang và nguy cơ xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào, Trung Quốc đưa tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật có nội dung đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông rõ ràng là một hành động có chủ ý.

Theo các chuyên gia, diễn biến nhanh chóng của cục diện bán đảo Triều Tiên gắn liền với quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được thiết lập tại Mar-a-Lago, đồng thời với sự im lặng của Washington về Biển Đông sau cuộc gặp này.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/trung-quoc-nhan-danh-khoa-hoc-khuay-nuoc-bien-dong-3334085/