Trung Quốc nêu điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán quân sự với Mỹ

Đối thoại quốc phòng cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn bị đóng băng do quan điểm khác biệt về sự cần thiết của 'lan can bảo vệ'.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách tăng số lượng các kênh liên lạc với Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh cắt đứt những liên kết này để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi vào tháng 8/2022.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 18-19/6, chuyến thăm đầu tiên của một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc trong gần 5 năm, nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển nào về vấn đề này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã cố gắng nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu tháng 5, nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở một cái bắt tay.

Chính quyền ông Biden đã nhiều lần đề nghị Bắc Kinh tham gia đối thoại quân sự, nhưng quân đội Trung Quốc tỏ ra không quan tâm. Kể từ năm 2021, họ đã hơn 10 lần từ chối tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Lầu Năm Góc và khoảng 10 lần từ chối các phiên họp cấp chuyên viên, theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

“Tôn trọng lẫn nhau”

Hôm 28/6, một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, Mỹ phải phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc nếu chính quyền ông Biden muốn liên lạc cấp cao giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Mỹ.

“Phía Mỹ biết lý do của những khó khăn trong quan hệ quân sự với Trung Quốc. Họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc”, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một cuộc họp báo hôm 28/6. “Những trở ngại như vậy nên được loại bỏ trước khi bất kỳ sự trao đổi và hợp tác nào có thể diễn ra giữa hai nước.”

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bắt tay nhưng không có buổi thảo luận trực tiếp nào bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore đầu tháng 6/2023. Ảnh: Asia Times

Ông Lưu không nêu đích danh bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, nhưng có khả năng đề cập đến yêu cầu làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, người đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì mua vũ khí của Nga.

Ông Lý và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc đã nói rằng họ muốn Mỹ cho thấy sự “tôn trọng lẫn nhau” bằng cách giảm bớt hoạt động tuần tra và giám sát ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Washington vẫn sẽ thúc đẩy đối thoại quân sự vì đó là điều cần thiết, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sắp dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý. Việc Mỹ thay đổi lập trường đối với Đài Loan thậm chí còn khó xảy ra hơn.

Theo các nhà ngoại giao và nhà phân tích Trung Quốc, các tùy viên quân sự tại các đại sứ quán Bắc Kinh và Washington vẫn có thể gặp gỡ các quan chức của nước còn lại. Liên lạc quân sự thường lệ giữa tàu với tàu và máy bay với máy bay vẫn diễn ra ở mức cơ bản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lý Thượng Phúc mới được bổ nhiệm hồi tháng 3 và sẽ tại vị trong vòng 5 năm, do đó, một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không thể thúc đẩy các cuộc đàm phán với các quan chức quân sự cấp trên hoặc cấp dưới của ông.

Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Đào (Yang Tao) cũng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đối với ông Lý trong tuần này, cho rằng đó là “một trong những lý do khiến Mỹ và Trung Quốc không thể có các cuộc trao đổi quân sự. Trước tiên, Mỹ cần loại bỏ trở ngại này”.

Phát biểu tại Singapore hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vẫn cởi mở với mối quan hệ quân sự nhưng “nguyên tắc cơ bản” phải là tôn trọng lẫn nhau. Nếu không có điều đó, thì thông tin liên lạc giữa chúng ta sẽ không hiệu quả.

“Lan can bảo vệ”

Mặc dù từ chối yêu cầu nối lại đàm phán quân sự với Mỹ, nhưng Trung Quốc lại đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán quân sự với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản, một quốc gia có lập trường khá cứng rắn với Trung Quốc.

Tháng 12/2022, Nhật Bản quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trước năm tài khóa 2027, nhằm cung cấp cho lực lượng phòng vệ của mình khả năng tiến hành các cuộc phản công chống lại hỏa lực thù địch.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hồi tháng 5 ở Hiroshima, Nhật Bản, Tokyo đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc. Bắc Kinh giận dữ đáp trả, triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi để phản đối.

Trong bối cảnh đó, sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc từ chối thảo luận các vấn đề an ninh với Nhật Bản, nhưng có ít nhất 2 lý do khiến họ không làm như vậy, theo các quan chức Nhật Bản.

Thứ nhất, Trung Quốc mong muốn phá vỡ mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. Thứ hai, Trung Quốc muốn xác định ý định của Nhật Bản trong việc mở rộng quốc phòng là để bổ sung lực lượng cho Mỹ hay tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Bắc Kinh không thích viễn cảnh Mỹ và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với nhau để kiểm soát Trung Quốc về mặt quân sự. Tuy nhiên, việc cải thiện đối thoại an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc không hoàn toàn xấu, vì nó có thể giúp giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc thông tin sai lệch gây ra xung đột quân sự.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã đưa hai bên xích lại gần nhau hơn, nhưng nó khó có thể xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức các cuộc gặp đầu tiên với những người đồng cấp từ các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Úc, Anh và Đức, nhưng không gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Có vẻ như Bắc Kinh đã cố tình giữ Washington đứng ngoài cuộc.

Rất khó để dự đoán khi nào hoặc liệu hai bên có thể bắt đầu lại các cuộc đàm phán hay không, vì khoảng cách giữa họ dường như không thể hàn gắn.

Chính quyền ông Biden không có ý định làm dịu lập trường của mình đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao và an ninh. Thay vào đó, họ tin rằng 2 bên nên theo đuổi đối thoại quân sự để tránh đụng độ ngoài ý muốn ở châu Á, và không nên đặt điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán như vậy.

Mỹ và Trung Quốc giống như hai chiếc xe cạnh tranh trong một cuộc đua. Mỹ muốn lắp đặt lan can bảo vệ để ngăn ngừa tai nạn, nhưng Bắc Kinh tin rằng các biện pháp như vậy sẽ chỉ là rào cản đối với Trung Quốc.

Lập trường của Bắc Kinh là họ sẽ không hợp tác với Mỹ để xây dựng hàng rào bảo vệ hoặc cơ chế quản lý khủng hoảng, trừ khi Washington thay đổi đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh dường như đã nói rõ điều đó với ông Blinken trong chuyến thăm của ông, và kết quả là không có bước đột phá nào trong vấn đề đối thoại.

Nguyễn Tuyết (Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trung-quoc-neu-dieu-kien-tien-quyet-de-noi-lai-dam-phan-quan-su-voi-my-a614903.html