Trung Quốc: Kỳ lạ ngôi làng có lửa cháy trên mặt đất hơn 60 năm

Những ngọn lửa đã cháy liên tục hơn 60 năm nay không tắt mặc trời mưa hay gió tuyết ở ngôi làng phía Tây Nam Trung Quốc.

Tại một ngôi làng nhỏ thuộc quận Trường Thọ, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, có một khu đất khoảng 4m2 nhưng có tới 7 đến 8 lỗ nhỏ, những lỗ nhỏ đó đều chứa một ngọn lửa cháy mãi không tắt.

Mảnh đất kỳ lạ này đã mang đến cho người dân trong làng rất nhiều thuận tiện. Nhiều người đến đây đun nước uống, thậm chí còn mang theo cả rau dưa, thực phẩm để nấu nướng. Việc này còn khiến người dân khắp nơi trên thế giới cảm thấy đặc biệt kỳ diệu và đến tham quan ngôi làng.

Những ngọn lửa cháy dưới lòng đất quanh năm tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: National Geographic

“Trước đây, gỗ đốt rất đắt và chúng tôi phải đi tới khu vực đồi núi phía Tây để mang những bó củi về. Nhưng ở đây thuận tiện hơn, chúng tôi mang theo xoong nồi đun nấu và xếp hàng để luộc khoai lang và rau dền”, CCTV+ dẫn lời Wang Mantang, một cư dân trong làng.

Những ngọn lửa cháy trên mặt đất xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, từ những nơi ấm áp như Trung Quốc đến những nơi có khí hậu lạnh giá như Siberia. Giáo sư địa vật lý Anupma Prakash tại Đại học Alaska (Mỹ) cho biết: “Thông thường chúng khá giống nhau, nhưng nguyên nhân gây cháy có thể khác”. Ngọn lửa được tạo ra có thể do sét đánh, do con người đánh lửa, khai thác mỏ hoặc tự bùng phát. Một khi đã bốc cháy, ngọn lửa có thể cháy liên tục suốt nhiều thập kỷ.

Được biết, lý do khu đất có lửa cháy trên mặt đất là do trước đây có một đội thăm dò dầu và khí tự nhiên đến khoan đất để lấy mẫu. Việc khoan lỗ khiến khí đốt tự nhiên dưới lòng đất thông lên mặt đất và bốc cháy sau khi tiếp xúc với không khí. Mặc dù có một lượng khí tự nhiên nhất định ở đây nhưng nó không đáng để khai thác. Vì vậy, nhóm thăm dò đã từ bỏ việc khai thác nhưng kể từ đó, ngọn lửa trên mặt đất vẫn cháy hơn 60 năm.

Mặc dù được người dân tận dụng để nấu ăn, tuy nhiên, tác hại do những ngọn lửa gây ra có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích. “Do hoạt động cháy diễn ra dưới lòng đất, những ngọn lửa sẽ dần đốt cạn than đá. Khi bị dồn nén bởi áp lực, khoảng đất có thể sụp xuống thành các hố, cuốn theo những tòa nhà và hút thêm nhiều khí ôxy hơn để tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa. Điều này có thể dẫn tới địa hình không bằng phẳng, gồ ghề và những ổ gà”, giáo sư Prakash giải thích.

Lý do xuất hiện lửa cháy trên mặt đất là do khoan lỗ khiến khí đốt tự nhiên dưới lòng đất thông lên mặt đất và bốc cháy sau khi tiếp xúc với không khí. Ảnh: National Geographic

Bên cạnh đó, khói bốc lên trong không khí không chỉ khiến trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu do làm tăng khí nhà kính trong khí quyển, mà còn có hại cho sức khỏe người dân do phải hít khói quanh năm.

Theo Giáo sư Prakash, có nhiều cách để khống chế những ngọn lửa. Mọi ngọn lửa đều cần ba yếu tố là nhiên liệu, khí ôxy và nhiệt. Nếu có thể loại bỏ một trong ba yếu tố này, con người có thể dập tắt lửa. Một số nơi xử lý đám cháy dưới lòng đất bằng cách đổ hỗn hợp nước và than bùn lên trên hoặc sử dụng đất sét trương nở để chặn nguồn khí ôxy và làm lửa tắt. Nitơ lỏng cũng được dùng để dập lửa dưới lòng đất.

Khánh Ly (tổng hợp)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trung-quoc-ky-la-ngoi-lang-co-lua-chay-tren-mat-dat-hon-60-nam-312281.html