Trung Quốc hướng tới một chiến thắng ngoại giao khác ở Yemen

Vũ điệu ngoại giao gần đây cho thấy sự nôn nóng của Trung Quốc trong việc củng cố quyền lực mềm với tư cách là một nhà hòa giải quốc tế cũng như giành được chỗ đứng cho các khoản đầu tư vào công cuộc tái thiết hậu chiến của Yemen.

Tổng thống Yemen Rashad Muhammad Al-Alimi, Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo tổng thống tiếp Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Yemen Shao Zheng hôm 21.3 - Ảnh: sabanew

Ngoại giao con thoi

Tại cuộc họp tuần trước của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề Yemen, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng đã ca ngợi thành công của Trung Quốc trong việc giúp khôi phục quan hệ Iran-Ảrập Xêút, đồng thời bày tỏ mong muốn các nước Trung Đông khác “đi theo xu hướng tích cực” này để hướng tới hòa bình. Cùng với Mỹ kêu gọi kiềm chế phiến quân Houthi, đại diện Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc sẵn sàng “tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực và hiện thực hóa hòa bình lâu dài ở Yemen”.

Bài phát biểu của ông Cảnh Sảng ban đầu ít được chú ý đến. Nhưng sau đó, những lời lẽ tưởng chừng mang tính ngoại giao đó đã được thúc đẩy cùng với những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ. Chỉ trong một tháng, Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Yemen, Shao Zheng, đã tổ chức 5 cuộc họp riêng với các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo của Tổng thống Yemen, cơ quan được thành lập vào tháng 4.2022 chịu trách nhiệm tiếp quản quyền lực của cả tổng thống và phó tổng thống. Động thái đó không hề bình thường nếu biết rằng, trong suốt từ tháng 11 năm ngoái cho đến tháng 3 năm nay, Đại biện lâm thời Shao Zheng chỉ tổ chức một cuộc họp cấp cao như vậy.

Báo chí Trung Quốc đưa tin về các cuộc họp này chủ yếu tập trung vào việc người dân Yemen ca ngợi vai trò hòa giải của Trung Quốc khi giúp Ảrập Xêút và Iran chấm dứt 7 năm xung đột; cũng như cảm kích sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc cho đất nước bị chiến tranh tàn phá. Cả Đại biện lâm thời Shao Zheng và những người đối thoại của ông cùng nhất trí về mong muốn đạt được một giải pháp hòa bình nhanh chóng giữa các bên ở Yemen. Mặc dù họ không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đóng vai trò tiên phong trong quá trình dàn xếp một giải pháp như vậy, nhưng các thông cáo báo chí nhấn mạnh vai trò của “Trung Quốc và các quốc gia khác” trong việc giúp đạt được bước đột phá về hòa bình trong tương lai.

Hội đồng Lãnh đạo của Tổng thống được cho là sẽ hợp nhất các nhóm chống phiến quân Houthi khác nhau, đến từ miền nam và miền bắc Yemen. Tuy nhiên, việc tìm ra mẫu số chung giữa tám đại diện là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ ai hay quốc gia hòa giải nào. Rõ ràng Đại biện lâm thời Shao Zheng đã nhìn thấy các nhà lãnh đạo đại diện cho các lợi ích khác nhau. Bước đột phá ngoại giao gần đây của ông chính là việc tổ chức được các cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng - cựu cố vấn tổng thống Rashad al-Alimi; lãnh đạo lực lượng kháng chiến Tareq Saleh, lãnh đạo Phong trào miền Nam Aidarus al-Zoubaidi, và vị Thống đốc thân phương Tây Sultan Ali al-Arada.

Trong những tuần gần đây, ông Shao Zheng cũng đã gặp cố vấn quân sự của Đặc phái viên LHQ Antony Hayward, cũng như đại diện của Thụy Điển, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Đại sứ Yemen tại Trung Quốc Mohammed al-Maitami được Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời nói rằng: “Yemen chân thành mong đợi Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy giải pháp chính trị cho tiến trình hòa bình của Yemen”. Nhà ngoại giao của Yemen gần đây cũng có cuộc gặp với Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông, Zhai Jun.

Chuyên gia Trita Parsi từ Viện Quincy lưu ý rằng, chỉ riêng việc Trung Quốc giúp khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Ảrập Xêút và Iran đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có cơ sở để tự tin trong việc thúc đẩy một nền hòa bình có thể có ở Yemen. Đó là bởi cuộc xung đột ở Yemen chính là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Ảrập Xêút và Iran, với việc Tehran hỗ trợ phiến quân Houthi chống lại Chính phủ do Riyadh hậu thuẫn. Nếu bản thân hai nước đã tìm được cách nhượng bộ lẫn nhau để giảm bớt xung đột, thì đồng nghĩa họ sẽ giảm bớt sự ủng hộ đối với hai lực lượng đối địch ở Yemen. Khi đó, một tiến trình hòa bình ở Yemen bản thân nó đã là kết quả của vai trò hòa giải của Bắc Kinh – ngay cả khi Trung Quốc không đóng vai trò quan trọng trong quá trình dàn xếp.

Mục tiêu kinh tế

Tuy nhiên, mối quan tâm của Trung Quốc trong quá trình hòa giải ở Yemen được thúc đẩy bởi nhiều mục đích chứ không đơn thuần là nhằm tăng cường uy tín ngoại giao hay chứng tỏ sức mạnh mềm của mình. Trong cuộc gặp giữa Đại biện lâm thời Shao Zheng với Thống đốc al-Arada, truyền thông Trung Quốc đặc biệt lưu ý đến vị trí địa lý thuận lợi và sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Yemen, kết luận rằng quốc gia này có nhiều tiềm năng “đang chờ được khai thác”.

“Trung Quốc hy vọng có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết và phát triển kinh tế hậu chiến tranh ở Yemen”, truyền thông nhà nước Trung Quốc bình luận.

Tương tự, trong cuộc gặp với lãnh đạo lực lượng kháng chiến Tareq Saleh, nhà ngoại giao Shao Zhang của Trung Quốc rõ ràng đã nhận được lời hứa rằng, Trung Quốc sẽ được chào đón để “thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại” trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Chỉ hai tuần sau, Shao Zhang đã gặp đại diện chi nhánh Trung Đông của Công ty Kỹ thuật cảng Trung Quốc (CHEC) để thảo luận về “tình hình ở Yemen và quan hệ giữa hai nước”, trao đổi quan điểm về Vành đai và Con đường. CHEC là công ty chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng và Trung Quốc có thể kỳ vọng công ty này sẽ trở thành nhân tố chủ chốt trong quá trình tái thiết tiềm năng của Yemen sau chiến tranh.

Những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc dường như đang được đền đáp. Chúng không chỉ đang giúp nâng cao uy tín của Bắc Kinh, phát đi hình ảnh về một Trung Quốc với tư cách là quốc gia hòa giải quốc tế, mà còn hứa hẹn sẽ tạo ra một bối cảnh thuận lợi để Trung Quốc có thể đổ tiền của vào tái thiết các quốc gia hậu chiến. Với tín hiệu đèn xanh của các lực lượng quan trọng nhất ở Yemen, các công ty Trung Quốc có thể mong đợi giành được những hợp đồng béo bở nếu và khi chiến tranh cuối cùng cũng kết thúc.

Theo The Diplomat

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trung-quoc-huong-toi-mot-chien-thang-ngoai-giao-khac-o-yemen-i325642/