Trung Quốc hé lộ tàu lặn cá mập chống biệt kích người nhái

Tàu lặn dưới nước hình cá mập do Trung Quốc sản xuất có thể sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, khảo sát đáy biển hoặc chuyển tiếp liên lạc.

Một nhà sản xuất Trung Quốc đã tiết lộ phương tiện tự hành dưới nước nhỏ (AUV), có thiết kế giống cá mập. Robo-Shark được thiết kế đạt tốc độ cao dưới nước, khả năng mang tải trọng lớn so với kích thước của nó, tạp chí Forbes dẫn bài viết của HI Sutton, một blog chuyên nghiên cứu về hải quân cho biết.

Boya Gongdao Robot Technology, nhà sản xuất Robo-Shark tuyên bố nó có khả năng tàng hình hình. Robo-Shark có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát, khảo sát đáy biển, tìm kiếm các đối tượng quan tâm và chuyển tiếp thông tin liên lạc.

Nhà sản xuất cũng gợi ý Robo-Shark có thể sử dụng cho nhiệm vụ ngăn chặn biệt kích người nhái đối phương, tuần tra tốc độ cao và theo dõi các mục tiêu di chuyển nhanh dưới nước.

Robo-Shark được công bố tại sự kiện iOceans China 2019, được tổ chức tại Tam Á, Trung Quốc vào ngày 26/10. Stephen Hall, chuyên gia công nghệ dưới nước có mặt tại sự kiện, nhận xét nó là một trong số những thiết kế AUV phỏng sinh học được trưng bày.

Robo-Shark hình cá mập do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Stephen Hall.

Công nghệ phỏng sinh học liên quan đến việc bắt chước tự nhiên để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, hoặc công nghệ phức tạp. Khi hoạt động dưới nước, Robo-Shark sẽ giống như những con cá.

Hình dáng mô phỏng cá mập của nó không đơn giản chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Bên trong vẻ bề ngoài thu hút của Robo-Shark là một xu hướng mới trong công nghệ dưới nước. Các kỹ sư ngày càng chuyển sang sử dụng tự nhiên làm cảm hứng cho các thiết kế của họ.

Nhà sản xuất Boya Gongdao nói rằng động cơ đẩy dạng đuôi cá có hiệu suất lên tới 80%, mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn và giúp cải thiện tuổi thọ của pin. Động cơ đuôi cá được cho là yên tĩnh hơn so với chân vịt. Điều này đặc biệt quan trọng trong chiến tranh hải quân.

Âm thanh di chuyển dưới nước nhanh hơn so với trong không khí, vì vậy tàng hình thường xoay quanh việc giảm tiếng ồn của phương tiện. Cuối cùng lớp vỏ của nó được phủ một lớp vật liệu hấp thụ sóng âm thanh.

Boya Gongdao cũng giới thiệu mẫu Robo-Fish nhỏ hơn với 2 chân vịt nhỏ ở đuôi cá. Nó được đánh giá phù hợp với các ứng dụng dân sự với khả năng tàng hình và tải trọng hàng hóa thấp hơn.

Người ta chưa thể xác định Robo-Shark có được quân đội Trung Quốc sử dụng hay không. Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Trung Quốc đã lần đầu công bố tàu ngầm không người lái với thiết kế thông thường.

Mỹ và một số nước châu Âu từ lâu đã theo đuổi công nghệ phỏng sinh học để thiết kế các phương tiện không người lái dưới nước.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/trung-quoc-he-lo-tau-lan-ca-map-chong-biet-kich-nguoi-nhai-post1012239.html