Trung Quốc đưa hai phi hành gia lên không gian trong chuyến thám hiểm dài nhất

Tàu Thần Châu 11 vừa được phóng sáng nay, đưa hai phi hành gia vào vũ trụ trong hành trình 33 ngày - dài nhất từ trước đến nay, nhằm chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo của kế hoạch xây trạm không gian của Trung Quốc.

Khoảng 7 giờ 30 phút giờ địa phương sáng 17/10, tàu Thần Châu 11 được phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, phía tây tỉnh Cam Túc, đưa phi hành gia Hải Cảnh Bằng, người ba lần bay vào vũ trụ, và phi hành gia Trần Đông vào không gian. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra thiết bị và thử thách bản thân để đảm bảo rằng Trung Quốc sẵn sàng cho sứ mệnh ở ngoài Trái đất trong thời gian dài. Hơn 100 loại thực phẩm dành cho các phi hành gia sẽ được sử dụng, nhiều công nghệ từ xe đạp tập thể dục đến các liên kết băng thông rộng sẽ được sử dụng trong chuyến đi lần này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, tướng Trương Hựu Hiệp tuyên bố, chuyến phóng tàu “thành công hoàn hảo”. Cơ quan vũ trụ của nước này cũng nói rằng các thiết bị vận hành chuẩn xác và sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của chuyến đi.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã chi hàng tỉ đô la trong thập kỉ vừa qua để cạnh tranh trong cuộc chạy đua vào không gian với Hoa Kỳ và Nga, cũng như những đối thủ khác ở châu Á là Ấn Độ và Nhật Bản, với những kế hoạch đầy tham vọng là đưa phi hành gia lên Mặt trăng muộn nhất là vào năm 2025 và đưa thiết bị không người lái lên sao Hỏa.

Chủ tịch Tập Cận Bình, trong thư chúc mừng được đọc tại buổi họp báo, gọi chuyến phóng tàu là một mốc quan trọng trong sứ mệnh đưa thiết bị có người lái lên vũ trụ. Trung Quốc “vẫn còn cả chặng đường dài phía trước” để hoàn thành mục tiêu khám phá bí ẩn không gian và biến nước này trở thành cường quốc về khám phá vũ trụ, thư viết.

Hai phi hành gia trên tàu Thần Châu dự kiến sẽ sống 33 ngày trên vũ trụ, trong đó có 30 ngày làm việc tại phòng thí nghiệm Thiên Cung 2, một phiên bản đơn giản hơn của trạm không gian, được phóng lên hồi tháng trước. Phó giám đốc Cơ quan Không gian Có người lái Trung Quốc, ông Wu Gang, nói rằng nhiệm vụ mới nhất này sẽ mang lại những kinh nghiệm rất quan trọng cho bước phát triển tiếp theo của kế hoạch trạm không gian của nước này.

Nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình thì trạm không gian này là trạm thứ hai, sau Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), một dự án đa quốc gia được phóng vào năm 1998 và dự kiến kết thúc vào năm 2024. Ngoài ra, còn có một trạm không gian khác, Trạm vũ trụ Hòa Bình (Mir) do Nga vận hành, bay quanh quỹ đạo Trái đất từ năm 1986 và đã kết thúc sứ mạng vào năm 2001.

Trung Quốc bắt đầu việc phát triển các thiết bị ghép nối tàu vũ trụ vào giữa những năm 1990, hoàn thành việc ghép nối thành công đầu tiên vào năm 2011, và nhà du hành đầu tiên của nước này bay vào không gian vào năm 2003. Những nỗ lực về khoa học không gian của Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn từ thời điểm đó, cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Tại cuộc hội thảo kỉ niệm 60 năm chương trình vũ trụ của Trung Quốc mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Mã Khải nói rằng nước này cần thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ không gian để giúp hiện đại hóa quốc phòng cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Vũ Thanh Nhàn dịch

Theo Bloomberg

Nguồn Tia Sáng: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=2&News=10119&tabid=111