Trung Quốc chế tạo tên lửa đất đối không tầm sát thương 2.000 km

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết họ đã thiết kế một loại tên lửa đất đối không mới vượt xa các đối thủ khác, với tầm bắn hơn 2.000 km.

Theo SCMP, phòng thủ tên lửa tầm siêu xa trước nay được coi là "bất khả thi", khi tên lửa đất đối không thường có tầm bắn hàng chục km và một số loại tên lửa tiên tiến nhất cũng chỉ đạt được vài trăm km.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết họ đã thiết kế một loại tên lửa đất đối không mới vượt xa các đối thủ khác, với tầm bắn hơn 2.000 km.

Nhóm nghiên cứu do Su Hua, một nghiên cứu viên tại Đại học Bách khoa Tây Bắc dẫn đầu, cho biết vũ khí này có thể bắn hạ máy bay cảnh báo sớm và máy bay ném bom, ngăn chặn chúng can thiệp vào các cuộc xung đột khu vực có thể xảy ra.

Đại học Bách khoa Tây Bắc là cơ sở quan trọng để nghiên cứu phát triển vũ khí tiên tiến ở Trung Quốc và từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt toàn diện của Mỹ.

Thiết kế tên lửa đất đối không mới của Trung Quốc dường như dựa trên phương tiện siêu thanh Feitian-1. (Ảnh: Đại học Bách khoa Tây Bắc)

Trong báo cáo được bình duyệt trên Tạp chí Đồ họa Trung Quốc, nhóm nghiên cứu cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (quân đội Trung Quốc) sẽ phát đi cảnh báo đến quốc gia sở hữu của bất kỳ máy bay mục tiêu nào và chỉ bắn nếu nó không có động thái quay đầu. Tên lửa đất đối không mới này "có ý nghĩa to lớn đối với việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu".

Nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc là tạo ra một vũ khí có chi phí sản xuất thấp và thuận tiện cho các hoạt động hàng ngày, chiều dài tối đa 10 m và trọng lượng không quá 4 tấn để phù hợp với việc phóng di động trên xe.

Vượt xa mong đợi, Su và nhóm của ông đã thiết kế một tên lửa tầm siêu xa chỉ dài 8 m với khối lượng 2,5 tấn. Một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn sẽ cung cấp lực đẩy khổng lồ cho việc phóng thẳng đứng, tiếp theo là động cơ phản lực Ramjet để đẩy tên lửa lên tầng khí quyển trên.

Bài báo không đề cập chi tiết về ngoại hình của tên lửa nhưng các thông số thiết kế cho thấy nó có thể tương tự như phương tiện siêu thanh Feitian-1, sử dụng hệ thống động cơ hai giai đoạn tương tự và đã được thử nghiệm thành công hai năm trước.

Feitian-1 là phương tiện siêu thanh đầu tiên trên thế giới sử dụng nhiên liệu kerosene giá rẻ và an toàn. Thiết kế hợp nhất thân-cánh của nó giúp mở rộng đáng kể tầm hoạt động của tên lửa bằng cách cho phép bay liên tục trong khí quyển.

Các nhà khoa học cho biết dữ liệu thời gian thực từ các vệ tinh trinh sát sẽ dẫn đường cho tên lửa mới, trước khi nó chuyển sang cảm biến riêng trong quá trình tiếp cận cuối cùng, sau đó kích nổ đầu đạn khi đạt đến tầm sát thương hiệu quả.

Nóng cuộc đua quân sự Mỹ - Trung

Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới giám sát vệ tinh toàn cầu mạnh mẽ khiến công nghệ tàng hình truyền thống, như được sử dụng bởi máy bay ném bom B-2 và B-21 của Mỹ, "trở nên vô dụng".

Jilin-1 là chòm sao vệ tinh quan sát Trái đất lớn nhất thế giới, có khả năng theo dõi máy bay tiêm kích tàng hình F-22. Theo video từng được chính quyền Trung Quốc công bố cho thấy một trong những chiếc máy bay này đang lướt qua những đám mây theo thời gian thực.

Máy bay lớn hơn - chẳng hạn như máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay cảnh báo sớm và máy bay ném bom - bay chậm hơn. Su và nhóm của ông cho biết các đặc điểm khác biệt của chúng có thể được xác định và theo dõi trực quan bởi các vệ tinh sử dụng trí tuệ nhân tạo ngay khi chúng xuất hiện trên đường băng.

Những vệ tinh này là một phần trong khả năng “chống truy cập/từ chối khu vực” (A2/AD) mà Trung Quốc đang phát triển để đối phó với các xung đột quân sự tiềm ẩn tại các điểm nóng như eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Một vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc trong năm 2022. (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc ban đầu coi vũ khí siêu thanh chủ yếu là phương tiện hỗ trợ để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và tấn công các mục tiêu cố định trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ và hiệu suất được cải thiện của các vũ khí này trong những năm gần đây đã khiến các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc đề xuất ngày càng nhiều ứng dụng cho chúng.

Điều này bao gồm khả năng tấn công nhóm tàu sân bay đang di chuyển bằng loạt tên lửa chống hạm siêu thanh, và khả năng phóng tên lửa không đối không lao xuống từ không gian tầng thấp để tấn công máy bay ném bom tàng hình của Mỹ.

Các tên lửa đạn đạo thông thường và vũ khí siêu thanh của quân đội Trung Quốc hiện có thể bao phủ tất cả các căn cứ quân sự Mỹ trong “Chuỗi đảo thứ nhất”, một dải quần đảo chạy dài từ Nhật Bản qua đảo Đài Loan, Philippines đến Borneo, bao quanh vùng biển Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã triển khai mạng lưới quan sát dưới biển mật độ cao ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương để phát hiện tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và tiến hành các cuộc tấn công khi cần thiết.

Quân đội Mỹ đang dần tái phân bổ lực lượng tới chuỗi đảo thứ hai, bao gồm căn cứ ở Guam, cách đảo Đài Loan khoảng 2.600 km và cách lục địa Trung Quốc 3.000 km.

Chiến lược quan trọng của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan là cử các đội máy bay ném bom từ Guam tới tấn công hạm đội và cơ sở hạ tầng ven biển của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn quân đội Trung Quốc đổ bộ lên hòn đảo tự trị này.

Đầu tháng này, Không quân Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay ném bom B-52 gần Guam, điều mà một số chuyên gia quân sự cho rằng là màn phô trương sức mạnh và khả năng nhằm vào Trung Quốc.

Theo các nhà phát triển, tên lửa siêu thanh này được gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A, có thể tấn công các mục tiêu mặt đất với tốc độ vượt quá Mach 7 từ khoảng 1.600km - trước đây được coi là khoảng cách an toàn.

Bất chấp những lo ngại của Mỹ, Không quân Mỹ có kế hoạch mua hàng trăm tên lửa AGM-183A, với giá khoảng 15 triệu USD mỗi quả. Những tên lửa này cũng có thể phóng từ máy bay ném bom tàng hình B-21 mới nhất.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-che-tao-ten-lua-dat-doi-khong-tam-sat-thuong-2-000-km-ar861483.html