Trung Quốc chật vật triển khai các chương trình cho vay lãi suất thấp

Trung Quốc đang chật vật giải ngân trong các chương trình cho vay lãi suất thấp có tổng trị giá 740 tỉ đô la Mỹ, dành cho các doanh nghiệp được ưu tiên. Tình trạng này là do các ngân hàng thương mại lo ngại về rủi ro tín dụng và các công ty không muốn gánh thêm nợ khi nền kinh tế tăng trưởng trì trệ.

^Các chương trình cho vay có mục tiêu với lãi suất ưu đãi ở Trung Quốc giải ngâm chậm chạp do các ngân hàng lo ngại rủi ro tín dụng và doanh nghiệp hạn chế vay nợ khi nền kinh tế trì trệ. Ảnh: IC Photo

Các chương trình cho vay giá rẻ, có mục tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp, là một phần quan trọng trong nỗ lực kích thích của Bắc Kinh kể từ đại dịch Covid-19 để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức lớn của các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc là xác định các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn với lãi suất thấp trong các ngành được chính phủ ưu tiên.

Dữ liệu chính thức cho thấy một nửa trong số 14 chương trình cho vay giá rẻ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), chỉ giải ngân chưa đến 50% hạn mức cho vay kể từ khi bắt đầu thực hiện vào năm 2020. Các chương trình cho vay ưu đãi còn lại, cũng chỉ giải ngân từ 62-87% hạn mức cho vay. Tình trạng giải ngân chậm chạp này cho thấy rõ những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đối mặt khi họ xoay sở vực dậy nền kinh tế, vốn bị kìm hãm do khủng hoảng bất động sản và thiếu niềm tin của khu vực tư nhân.

“Các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc nhận thức rõ thực tế rằng, việc sử dụng các biện pháp cho vay ưu đãi có mục tiêu này đi ngược lại nỗ lực thương mại hóa hệ thống ngân hàng hay ngừng can thiệp vào hoạt động phân bổ tín dụng”, Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell (Mỹ) và là cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) bình luận.

Nhưng ông cho rằng, chính sách phân bổ tín dụng có mục tiêu sẽ tốt hơn kích thích tiền tệ trên diện rộng, có thể gây ra các rủi ro tài chính trung hạn.

Từ lâu, Trung Quốc đã sử dụng các chương trình cho vay ưu đãi có trọng điểm để đạt các mục tiêu chính sách. Nhưng Bắc Kinh ngày càng dựa vào chiến lược hỗ trợ nền kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Biểu hiện rõ nhất là việc PBoC triển khai hơn 10 chương trình cho vay ngắn hạn, lãi suất thấp hoặc không lãi suất trị giá hơn 5,3 ngàn tỉ nhân dân tệ (744 tỉ đô la Mỹ).

Theo PBoC, việc chuyển tín dụng giá rẻ vào các lĩnh vực chiến lược để thúc đẩy nền kinh tế mà không gây ra lạm phát. Các chương trình cho vay này có mục tiêu khác với việc nới lỏng tiền tệ theo kiểu phương Tây. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ mang lại hiệu quả một phần, với một số chương trình mới thậm chí có tốc độ giải ngân chậm chạp hơn.

Ba chương trình cho vay ưu đãi có mục tiêu được tung ra vào tháng 1-2023 để phân bổ tới 230 tỉ đô la Mỹ cho các công ty phất triển nhà ở xã hội, các công ty bất động sản đang gặp khó khăn cũng như các công ty tư nhân khác. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9, các chương trình này vẫn chưa giải ngân hết hạn mức cho vay.

Hai chương trình cho vay giá rẻ khác, được PBoC hỗ trợ để cung cung cấp tín dụng trị giá 240 tỉ nhân dân tệ cho các dự án bất động sản đang bị đình trệ và các viện dưỡng lão, chỉ giải ngân vỏn vẹn 7,2 tỉ nhân dân tệ kể từ đầu tháng 6. Một chương trình cho vay ưu đãi nữa, dành cho lĩnh vực hậu cần, được triển khai vào cuối năm ngoái, chỉ giải ngân chưa đến một nửa trong hạn mức 100 tỉ nhân dân tệ.

Các nguồn tin từ bốn ngân hàng thương mại của Trung Quốc cho biết, họ không muốn tham gia vào các chương trình cho vay giá rẻ nhắm đến các ngành có rủi ro tín dụng đáng kể. Ví dụ, các công ty điều hành viện dưỡng lão thường thuê nhà và đất, nên họ không có tài sản thế chấp.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng suy yếu. Dữ liệu chính thức cho thấy, một quỹ cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ, trị giá 40 tỉ nhân dân tệ, được PBoC hỗ trợ, chỉ mới phân phối 22 tỉ nhân dân tệ kể từ khi ra mắt hồi tháng 3.

“Các chủ doanh nghiệp lo ngại việc tăng đòn bẩy tài chính trrong khi nền kinh tế đang bất ổn”, một quan chức của ngân hàng thương mại Zhongyuan, cho biết.

Bất chấp tình trạng giải ngân ngân chậm chạp, Bắc Kinh vẫn đang đẩy mạnh các chương trình cho vay ưu đãi có mục tiêu. Bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC đánh giá, chính sách này đã giúp phục hồi nền kinh tế và thúc đẩy các xung lực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, một cố vấn của PBoC thừa nhận, có rất nhiều tranh luận về việc liệu các chương trình cho vay giá rẻ có thực sự hiệu quả hay không. Ngay cả khi được các cơ quan quản lý khuyến khích và được PBoC hỗ trợ, các ngân hàng thương mại vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng tiêu chí cho vay.

“Chúng tôi đưa ra quyết định cho vay dựa trên việc liệu khách vay có thể trả được nợ hay không. Chúng tôi không thể thúc đẩy lợi ích chung bằng cách gây thiệt hại cho chình mình”, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nói.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-chat-vat-trien-khai-cac-chuong-trinh-cho-vay-lai-suat-thap/