Trung Phi: Khủng bố bằng dao búa

(CATP) Những tàn bạo mà tôi chứng kiến tại Trung Phi đã ám ảnh mình suốt nhiều ngày liền. Tôi là phóng viên chiến trường từ 20 năm qua: từng viết về cuộc xung đột tại Iraq, Afghanistan và có mặt ở Kosovo lúc diệt chủng. Nhưng những tàn sát mà tôi nhìn thấy tại “trung tâm bóng tối” mới này vẫn làm mình hốt hoảng.

Một cảnh tượng chưa từng thấy. Hôm đó là ngày 5-12-2013, tôi có mặt ở bệnh viện nhi đồng Bangui, do tổ chức từ thiện Emergency quản lý, chuyên chăm sóc miễn phí cho nạn nhân chiến tranh. 10 đứa trẻ được mang đến trên băng ca, đầu, bàn tay và bàn chân bị dao chặt đứt, cơ thể bé bỏng của chúng nhuốm đầy máu.

Những đứa trẻ vô tội này thuộc nhóm bộ tộc Hồi giáo du mục Peul, vừa chứng kiến trận tàn sát bố mẹ chúng bởi nhóm dân quân Kytô giáo trong một ngôi làng nằm cách thủ đô Bangui về phía bắc 80km. Sau khi xếp hàng dài, họ chặt để làm “kỷ niệm” vĩnh viễn trận tàn sát diễn ra ngay trước mắt chúng.

Tôi không tiếc lời ca tụng các bác sĩ Italia cố sức cứu chúng. Họ liều mạng sống của mình, trong lúc các nhà ngoại giao và phần lớn nhân viên từ thiện đã bỏ chạy khỏi nước để giữ mạng mình. Họ chẳng bao giờ nhìn thấy những vết thương tàn bạo mà bọn người này đối xử với trẻ con. Một đứa trẻ bị bắn hai viên đạn vào chân trước khi bị chặt đứt bằng mã tấu. Những câu chuyện chúng kể lại thật kinh hoàng: người ta tháo chạy khỏi nhà không mang theo được gì, và phóng nhanh trên đồng cỏ để thoát thân. Trẻ con không theo kịp, bị bắt xếp hàng dài, chặt lần lượt. Những “chiến binh” man rợ chặt một bàn tay, cánh tay, hay bổ thẳng vào đầu. Khi đến bệnh viện, chúng không còn khóc được nữa, vì quá kinh hãi. Tôi nhìn thẳng vào đáy mắt chúng, nhưng cũng không thấy được gì.

Unicef đã xác nhận có 16 em bé chết trong tháng 12-2013, nhưng con số thật dĩ nhiên phải cao hơn nhiều. Ngay như cả thế giới chỉ lo chú ý đến tình hình Nam Sudan, đã gần như không hề biết đến Cộng hòa Trung Phi, một cựu thuộc địa của Pháp, chìm trong cuộc nội chiến cực kỳ tàn khốc, sau cuộc đảo chính của phe Séléka. Liên minh nổi dậy với đa số Hồi giáo đã buộc Tổng thống theo Kytô giáo François Bozizé phải bỏ xứ ra đi vào tháng 3-2013.
Được đưa lên cầm quyền lần đầu tiên tại Trung Phi, Tổng thống Michel Djotodia theo Hồi giáo đã không kiểm soát nổi tình thế. Thuộc hạ của ông tiếp tục truy sát người theo Kytô giáo, vốn chiếm đến 80% dân số. Và họ bị phản công báo thù. Giữa hai phe, dân chúng đánh giết nhau tàn khốc. Hàng ngàn người bị giết và 800.000 phải tháo chạy, trong tổng số 4,4 triệu dân.

Tổng thống Djotodia thú nhận: dù có thiên thần từ trên trời xuống cũng không giải quyết được tình thế. Trung Phi, một đất nước nằm giữa Cameroun, Tchad, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo và Congo là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Thế nhưng nó có nguồn tài nguyên rất phong phú: mỏ uranium, dầu hỏa, vàng và kim cương... là mục tiêu của tranh chấp. Nước Pháp bảo hộ cho đến năm 1960, vào tháng 12-2013 đã triển khai một binh đoàn 1.600 người để trợ giúp cho 4.500 lính châu Phi tái lập trật tự. Cho đến nay, tất cả đều vô dụng. Xung đột ngày càng tăng và người tị nạn chất đầy ở các trại giữa trời.

Nhiều người Kytô giáo ở chung quanh các nhà thờ để mong được che chở, và hơn 100.000 dân tị nạn chen chúc quanh phi trường Bangui, gần nơi Pháp đóng quân. 400.000 người khác ở rải rác trong các lều trại tạm bợ bên trong thành phố. Đường phố thủ đô thường diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu. Lính Pháp chiếm giữ các trục lộ chính. Điện cúp thường xuyên, nhà cửa vắng tanh. Người Hồi và Kytô giáo rình rập nhau giết chóc ở từng góc phố. Ngay cả Bệnh viện Trung ương cũng bị tấn công.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=511109&mod=detnews&p=