Trưng bày chuyên đề hé lộ không khí đón Giáng sinh của lính Mỹ tại Hỏa Lò

Trưng bày bao gồm các hiện vật, tranh ảnh, tư liệu phản ánh cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để sớm trở về với gia đình.

Tù binh Mỹ trang trí cây thông Noel tại Hỏa Lò. (Ảnh tư liệu)

Những quả chuông nhỏ gắn chữ “Merry Christmas,” cây thông Noel cùng bánh kẹo bày trên bàn… Đó là không khí đón Giáng sinh trong Nhà tù Hỏa Lò được Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman (sinh năm 1922) vẽ lại.

Những bức tranh ông Stockman vẽ khi bị giam tại Hỏa Lò đang được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân kỷ niệm 51 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2023) và 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973-2023).

Trưng bày nhằm giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng Không quân và Hải quân Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu vượt qua mất mát, đau thương, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không.”

Một bức tranh trong tập nhật ký “Odyssey, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackflye.”

Trưng bày cũng phản ánh cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm; những nỗ lực chung của Chính phủ và nhân dân hai nước nhằm khắc phục hậu chiến tranh, nối lại quan hệ Việt-Mỹ.

Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman là một trong những người lính Mỹ bị giam tại Hỏa Lò. Máy bay của ông điều khiển bị bắn rơi ngày 11/6/1967 tại Bắc Giang và sau đó ông được chuyển về Trại tạm giam Hỏa Lò năm 1970.

Với năng khiếu mỹ thuật, Trung tá Stockman được phát giấy, bút, màu để vẽ tranh theo sở thích. Ông đã tập hợp các bức tranh thành một tập nhật ký có tựa đề “Odyssey, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackflye.”

Tranh vẽ của Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman.

Những bức tranh của ông được dùng để trang trí trên tường của phòng giam và treo trong các dịp lễ, Tết. Qua đó, người xem có thể thấy được các tù binh Mỹ đã được đối xử tử tế và nhân đạo như thế nào tại Hà Nội.

Nếu nhân vật trong tranh của ông không mặc bộ quần áo tù nhân – “bộ pyjama của phi công Mỹ” như cách họ vẫn gọi – thì người xem sẽ nhầm tưởng đây là không khí Noel ở bất kỳ gia đình bình thường nào.

Đó là cảm nhận của ông Thomas Eugene Wilber khi tham quan trưng bày. Ông thấu hiểu điều này vì ông là con trai của Trung tá Không quân Mỹ Walter Eugene Wilber, từng ở Hỏa Lò giai đoạn 1968-1973.

Ông Thomas Wilber cùng các cựu chiến binh, chiến sỹ tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Khi bố tôi bị bắt làm tù binh, tôi mới chỉ 12 tuổi. Gia đình tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng vào dịp cuối năm, ông có cơ hội được gửi lời nhắn đến gia đình thông qua sóng phát thanh. Tôi đã được nghe đoạn thu âm đó, ông chúc mừng sinh nhật tôi và kết thúc bằng ba từ ‘Bố vẫn ổn’,” ông Thomas kể.

Đến bây giờ, ông Thomas vẫn giữ đoạn ghi âm đó trên điện thoại và thường mở ra nghe.

Trong lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2014, ông Thomas đã chọn Di tích Hỏa Lò làm nơi đầu tiên ông đến thăm. Ông đã sững sờ, gần như bật khóc khi thấy trong khu trưng bày có bức hình Trung tá Walter Eugene Wilber đang nhận bưu phẩm từ Mỹ gửi sang.

Ông Thomas Wilber chia sẻ cảm xúc khi tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Đó là gói bưu phẩm do chính tôi, khi đó còn là cậu bé 12 tuổi, đóng gói để gửi đi. Nó chứa đựng những yêu thương của tôi và gia đình gửi cho cha mình. Năm tôi 17 tuổi, chúng tôi đón ông trở về mạnh khỏe. Đó là điều hạnh phúc mà tôi không bao giờ quên. Gia đình chúng tôi biết ơn đất nước và Nhân dân Việt Nam vì đã đối xử tử tế với những phi công Mỹ,” ông Thomas bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Thomas cho hay ông đã đến Hỏa Lò 43 lần. Những bức thư cha ông gửi cho hai con trai ở Mỹ đã khiến họ có cái nhìn rộng mở hơn về Việt Nam và về tình người. Đó là những điều đẹp đẽ khiến cho ông Thomas luôn muốn trở về Việt Nam và Nhà tù Hỏa Lò.

“Nơi đây, cha tôi từng bị bắt giữ, nhưng cũng từ đây, cha tôi đã cảm nhận được sự nồng hậu, chân thành của người dân Việt Nam cũng như nhìn nhận rõ hơn về cuộc chiến, từ đó ông quyết định cất lên tiếng nói phản đối chiến tranh tại Việt Nam,” ông Thomas chia sẻ./.

Trưng bày “Thang âm cuộc chiến” chia thành 3 nội dung: “Khúc ca chiến thắng,” “Dòng ký ức” và “Chung tay hàn gắn.”

“Khúc ca chiến thắng” kể câu chuyện Hà Nội đánh B52 như thế nào, người Hà Nội khi đó đã thực hiện việc "sơ tán cũng là đánh địch" ra sao. Nội dung “Dòng ký ức” tái hiện đời sống của những phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc. Trong khi đó, phần “Chung tay hàn gắn” giới thiệu những hoạt động hợp tác tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh từ 1988 đến nay.

Trưng bày kéo dài đến ngày 30/6/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trung-bay-chuyen-de-he-lo-khong-khi-don-giang-sinh-cua-linh-my-tai-hoa-lo-post911987.vnp