Trồng trọt trên sa mạc

Làm cho sa mạc đâm chồi nảy lộc là mục tiêu của cú bắt tay đắt giá giữa Ả Rập Saudi và một công ty nhà kính hàng đầu thế giới của Hà Lan.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án này là Neom - một thành phố mới hoàn toàn, dự kiến mọc lên dọc bờ biển Đỏ và chạy sâu vào sa mạc. Dự án sẽ xây dựng một "ốc đảo trồng trọt" có diện tích bằng 15 sân bóng đá ở ngoại ô Neom. Ký hợp đồng trị giá 120 triệu USD với Chính phủ Ả Rập Saudi, Công ty Van der Hoeven chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng 2 cơ sở thử nghiệm, đồng thời vận hành trong nhiều năm sau đó.

"Chúng tôi sẽ tạo ra bầu khí hậu nhân tạo bên trong thay cho điều kiện trồng trọt khắc nghiệt bên ngoài, với đích đến là các cây trồng cho sản phẩm quanh năm" - ông Michiel Schoenmaeckers, Giám đốc điều hành của Van der Hoeven, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Bloomberg ở TP Amsterdam - Hà Lan. Dù là một trong những quốc gia nhỏ nhất châu Âu song Hà Lan lại nổi danh bậc thầy về trồng trọt. Nước này xuất khẩu nông sản nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, nhờ hàng loạt giải pháp sáng tạo như nhà kính hiện đại, nông trại thẳng đứng… Phân nửa đất đai của Hà Lan được dành cho nông nghiệp.

Nhà kính trồng trọt thử nghiệm của siêu dự án Neom tại Ả Rập Saudi Ảnh: NEOM

Trong khi đó, an ninh lương thực là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà quy hoạch Neom - siêu dự án có mức kinh phí "khủng" lên tới 500 tỉ USD mà Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman quyết tâm thực hiện, với mong muốn nền kinh tế trị giá 1.000 tỉ USD của vương quốc này không còn phụ thuộc vào dầu mỏ. Thành phố sa mạc tương lai này tọa lạc trên vùng đất có diện tích bằng nước Bỉ và được thiết kế trở thành khu vực công nghệ cao với hàng triệu người cư ngụ. Theo ông Juan Carlos Motamayor, Giám đốc điều hành Cơ quan Neom Food, dự án do phía Hà Lan thực hiện đã được bắt đầu xây dựng trong năm nay và nếu đúng kế hoạch, các cơ sở sẽ thử nghiệm vào năm sau. "Chúng tôi muốn tăng quy mô lên hơn 1.000 ha với nhiều loại nhà kính khác nhau, mục đích là sản xuất được hơn 300.000 tấn trái cây và rau trong vòng 8-10 năm" - ông Motamayor cho biết.

Về phần mình, Van der Hoeven đặt mục tiêu bắt đầu vận hành cơ sở thứ nhất vào tháng 8-2024. Công ty Hà Lan này kết hợp một loạt công nghệ trồng trọt hiện đại nhất, bao gồm hệ thống lọc nước tân tiến và theo dõi mùa màng do trí tuệ nhân tạo điều khiển, hệ thống làm mát vận hành bằng năng lượng mặt trời và nước biển dành cho thời gian mùa hè nhằm tiết kiệm nước…

Không chỉ phục vụ nhu cầu của Neom, dự án trồng trọt nói trên còn có tham vọng trở thành trung tâm thực phẩm của toàn khu vực - nơi đất đai cằn cỗi, nhiệt độ cực đoan và phải phụ thuộc nguồn thực phẩm nhập khẩu. Ngoài dự án với Hà Lan, Ả Rập Saudi còn ký hợp đồng với công ty Mỹ AeroFarms để xây dựng và vận hành các nông trại thẳng đứng trong nhà. Một công ty nhà nước khác của Ả Rập Saudi cũng bắt tay với Brazil Foods (BRF), công ty gia cầm lớn nhất Brazil, song song đó là mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp khác như công ty mua bán nông sản Olam Agri Holdings (Singapore), công ty sản xuất gạo LT Foods (Ấn Độ)…

Chuỗi cung ứng lương thực vốn mong manh từ trong đại dịch COVID-19 nay lại càng đáng lo ngại do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Thông qua nỗ lực của mình, Ả Rập Saudi muốn đem lại một giải pháp cho các nước khác cũng chật vật vì an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu. "Trên thế giới chưa có nước nào thử nghiệm phát triển nông nghiệp ở quy mô như chúng tôi" - ông Motamayor quả quyết.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/trong-trot-tren-sa-mac-20230817201707473.htm