Trọng trách của vỉa hè

Trong khi không chỉ người dân hai đô thị lớn nhất cả nước đang hồi hộp theo dõi cái gọi là “cuộc chiến giành lại vỉa hè” thì các chuyên gia trong ngành quản lý đô thị TP.HCM chỉ ra rằng công tác này đã từng trải qua 4 giai đoạn khác nhau, từ giai đoạn quyết liệt cấm đoán (1982-1993), giai đoạn hạn chế và thích nghi tình hình (1994-2007), giai đoạn cho phép chính thức sử dụng tạm vỉa hè trên nhiều tuyến đường (2008-2011) và cuối cùng là giai đoạn hạn chế việc cho phép chính thức (2013-2016).

Có thể thấy điều gì khi nhìn lại toàn bộ lộ trình này? Dường như kết quả của chủ trương “quyết liệt cấm” bước đầu có hiệu ứng tốt, nhưng về lâu về dài sẽ là chưa đủ.

Theo tính toán mới nhất của các chuyên gia quốc tế, khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam đang tạo ra ít nhất 20% GDP. Trong đó, kinh tế vỉa hè với số lao động phi chính thức ở khu vực thương mại chiếm 31% và dịch vụ chiếm 26%. Năm 2007, kinh tế phi chính thức cũng đã đóng góp gần 11 triệu trong tổng số 22 triệu lao động phi nông nghiệp. Riêng TP.HCM, ước có khoảng 6,5 triệu m2 vỉa hè có giá trị kinh doanh (khoảng 30% diện tích vỉa hè) và chỉ tính mức cho thuê 50.000 đồng/m2/tháng, ước tính nguồn thu về TP sẽ là 3.250 tỉ đồng/năm (theo ước lượng 50.000 đồng/m2/tháng x 6,5 triệu m2 x 10 tháng), chưa kể lợi ích mang lại cho người buôn bán, kinh doanh.

Thực tế, giải pháp bền vững hơn đã từng được chính quyền TP.HCM áp dụng. Đó là dùng vạch sơn phân chia không gian vỉa hè (cho những vỉa hè rộng trên 3m) dành cho đậu xe máy; người đi bộ và các hàng rong. Quy định đó góp phần tạo sự thuận tiện hơn cho cả người đi bộ và hoạt động kinh doanh dọc bên đường. Nói cách khác, quan điểm giải quyết tình trạng lộn xộn trên vỉa hè hiện nay là sắp xếp lại các hoạt động trên vỉa hè sao cho trật tự, theo các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian kinh doanh để bảo đảm hài hòa giữa sinh kế của người dân với trật tự, mỹ quan đô thị và không gian cho người đi bộ.

Cuối cùng, theo các nguyên lý thiết kế đô thị, vỉa hè có nhiều chức năng, bao gồm: Làm lối đi riêng cho người đi bộ (tối thiểu là 1,5 m); chứa đựng hạ tầng và tiện ích đô thị, để bố trí hệ thống cấp điện, đường cáp quang, đường ống cấp nước, cống thoát nước, đặt cột điện, cột chiếu sáng công cộng, các biển quảng cáo và trồng cây xanh; làm lối ra vào các công trình ở dọc phố, tiếp cận các công trình giao thông khác như cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ…

Hơn thế, vỉa hè còn có chức năng như không gian công cộng đô thị, là nơi để mọi người có thể lui tới, nhìn ngắm người qua lại hoặc hóng mát, trò chuyện. Thành phố sống động, đáng yêu hơn, các cư dân thân thiện và gần gũi nhau hơn cũng có “công lao” của vỉa hè, tất nhiên, là khi được sắp xếp hợp lý để gánh vác trọn vẹn tất cả các chức năng của nó.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/trong-trach-cua-via-he.aspx