Trồng thanh long hái 'trái ngọt', nông dân Bình Thuận tự tin đổi đời

Những ngày này, các hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác trồng thanh long ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) khấp khởi mừng vì sau thời gian dài sụt giảm khá sâu, giá thanh long đã tăng trở lại. Nhờ vậy, trước ảnh hưởng không nhỏ từ thời tiết bất lợi, thu nhập của người trồng vẫn được đảm bảo.

Ghi nhận tại nhiều vùng trồng thanh long tại Bình Thuận, trong đó có huyện trọng điểm Hàm Thuận Bắc, trái thanh long ruột trắng đang tăng giá mạnh, lên 20.000-25.000 đồng/kg trong những ngày đầu tháng 5. Thanh long ruột đỏ bán xô (thương lái mua cả quả to và nhỏ) giá 35.000 đồng/kg, nhiều thời điểm vượt lên 40.000-45.000 đồng/kg.

Cây xóa nghèo, làm giàu

Ông Trần Định, nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Bắc, cho hay kể từ cuối tháng 4, giá thanh long bắt đầu được cải thiện, tăng dần từ mức trên dưới 10.000 đồng/kg lên 20.000-40.000 đồng/kg tùy loại. Với giá bán hiện tại, người trồng có thể lãi 40-50%.

Giá thanh long tăng cao được cả cơ quan chức năng và người dân địa phương lý giải là do nhu cầu thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh. Thị trường xuất khẩu thuận lợi, cùng với việc sản lượng thanh long tại địa phương lớn đang giúp các hộ sản xuất ổn định thu nhập. Khó khăn nhất hiện tại là tình trạng khô hạn kéo dài khiến một số diện tích thanh long bị khô, giảm năng suất.

Giá bán tăng đang giúp người trồng thanh long ở Bình Thuận cải thiện thu nhập.

“Nếu giá bán tiếp tục ổn định, các hộ trồng thanh long lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật có thể đạt lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ha, tùy loại. Với những hộ trồng nhỏ lẻ, lợi nhuận có thể đạt 15-30 triệu đồng/sào (1.000m2)”, ông Định hồ hởi nói.

Thực tế, cây thanh long nhiều năm qua dù có không ít biến động, vẫn được đánh giá là cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân tại Bình Thuận nói chung và huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều nông dân đã bắt tay liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực, mở rộng thị trường tiêu thụ, vươn xa hơn cùng mục tiêu chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…

Điển hình như HTX thanh long Thuận Tiến hoạt động theo mô hình kinh doanh ủy thác cho thành viên đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Việc sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với giá cả ổn định đã giúp các thành viên an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Trần Đình Trung, đại diện HTX, cho hay ngay từ khi bắt tay vào trồng thanh long, HTX luôn xác định phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, thanh long làm ra đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước của đối tác đặt hàng.

Sức mạnh từ liên kết

Từ khi HTX thanh long Thuận Tiến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đã có nhiều đối tác tìm đến HTX để ký kết các đơn hàng, do đó HTX đã liên kết sản xuất với các HTX trong tỉnh để tăng sản lượng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện liên kết với các đối tác cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để dần ổn định đầu vào cho các hộ thành viên; xây dựng quy trình sản xuất an toàn cho tất cả thành viên, sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; ký kết được nhiều hợp đồng dài hạn cung cấp sản phẩm thanh long cho khách hàng.

HTX không kinh doanh dịch vụ đầu ra, mà chỉ tổ chức bán hàng giúp thành viên HTX. Cụ thể, khi ký được hợp đồng với một đối tác xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu với giá 23.000 đ/kg, HTX họp thành viên HTX, công khai các khoản chi phí như: kho bãi, đóng gói, quản lý…, giá trị còn lại là 19.000 - 20.000 đồng/kg thì thành viên được hưởng lợi trực tiếp.

Dù còn nhiều thách thức, cây thanh long vẫn là cây kinh tế chủ lực tại nhiều địa phương ở tỉnh Bình Thuận.

Hiện nay, mỗi năm HTX thanh long Thuận Tiến thu mua khoảng 300 tấn thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu sang trường khó tính là châu Âu, Úc, Mỹ, góp phần tăng thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.

"Bên cạnh việc thu mua, HTX cũng tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng từ 15 - 20 bà con lao động nhàn rỗi thực hiện sơ chế, đóng gói thanh long. Trung bình mỗi tháng, mỗi lao động thời vụ có mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng…”, ông Trung cho biết.

Trong thời gian tới, HTX thanh long Thuận Tiến tiếp tục duy trì việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời triển khai mở rộng thêm 20 ha thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP với sản lượng khoảng 30 tấn/năm nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc, Canada…, sẽ đem lại nguồn lợi nhuận cao cho bà con nông dân.

Chiến lược phát triển bền vững

HTX thanh long Hàm Đức cũng là một trong những đơn vị điển hình trong sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị ở Hàm Thuận Bắc. Những năm qua, HTX đã chủ động tập trung vào chế biến các sản phẩm làm từ trái thanh long để góp phần mở rộng đầu ra.

Sản phẩm chủ lực của HTX là rượu vang thanh long. Với xưởng sản xuất công suất 100.000 lít sản phẩm/năm, HTX đang đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành lớn như Bình Thuận, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… Ngoài ra, HTX còn thực hiện bán qua các kênh online trên khắp cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Có thể thấy, dù còn không ít thách thức về vấn đề thị trường tiêu thụ, giá bán, song nhìn chung trái thanh long vẫn đang cho thấy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân Hàm Thuận Bắc và nhiều địa phương ở tỉnh Bình Thuận.

Theo thống kê, với diện tích trên 26.500ha, sản lượng hàng năm đạt trên 600.000 tấn, Bình Thuận là địa phương trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước. Hiện, hơn 80% sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.

Để nâng cao giá trị, ổn định thị trường, tăng sức cạnh tranh, thời gian tới, các địa phương có thế mạnh trồng thanh long ở Bình Thuận dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng sản xuất sạch, hình thành các chuỗi giá trị liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp…

Đáng chú ý, tại nhiều vùng sản xuất thanh long đang hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch. Như ở Hàm Thuận Bắc, có 2 mô hình tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long: Mô hình trồng thanh long giống mới vỏ vàng của HTX Trung Bình (xã Hàm Đức) với diện tích 100 ha và mô hình trồng giống thanh long tổ yến Ecuado với diện tích 3 ha (xã Hồng Liêm).

Bên cạnh đó, huyện còn xúc tiến phối hợp với Liên minh HTX tỉnh triển khai dự án “Hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận”. Đây được xem là cơ hội để phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long, kết hợp tham quan và thưởng thức sản phẩm chế biến từ trái thanh long tươi của một số HTX trên địa bàn Hàm Thuận Bắc…

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/trong-thanh-long-hai-trai-ngot-nong-dan-binh-thuan-tu-tin-doi-doi-1099647.html