Trọng dụng nhân tài không chỉ bằng vật chất

Những câu chuyện về trọng dụng nhân tài trong lịch sử đất nước là bài học cho TP.HCM cũng như cả nước để xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương được ban hành năm 2008 đã chỉ ra những hạn chế của đội ngũ trí thức trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đó là số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận trí thức còn thiếu tự tin, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão.

Những vấn đề này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhiều ý kiến cho rằng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chưa thể hiện rõ quan điểm lấy khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo làm quốc sách hàng đầu. Đội ngũ trí thức chưa có đầy đủ điều kiện để phát huy hết năng lực sáng tạo. Thiếu chính sách đủ mạnh thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giải quyết những vấn đề của đất nước...

Trong bài viết này, chỉ xin nêu một số vấn đề về cơ chế, chính sách trong việc huy động nguồn lực trí thức, được xem là đầu ra của dòng chảy chất xám.

Hãy cùng ngược dòng lịch sử khi đất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám để thấy trong mọi điều kiện, nếu có phương cách hợp lý đều trưng dụng được hiền tài.

Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Nước nhà cần phải có kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài, đức có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, thậm chí từng làm quan trong triều đình nhà Nguyễn như Phan Khắc Hòe, Phan Kế Toại, Huỳnh Thúc Kháng… đã được Chính phủ giao những nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, với sự thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số trí thức Việt kiều như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước… đã từ bỏ chế độ đãi ngộ cao, cuộc sống nhiều tiện nghi ở nước Pháp để trở về phục vụ cách mạng.

Có lần GS Trần Đại Nghĩa tâm sự: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.

Nhìn vào cuộc đời của các nhân sĩ như Trần Đại Nghĩa có thể thấy những bài học cho việc xây dựng, huy động đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Nhân sĩ là nhân tài nhưng gắn với chữ “sĩ”, vì vậy cần có sự trân trọng dành cho họ. Sự trân trọng ấy cũng gắn liền sứ mệnh cao cả mà họ thực hiện. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm cống hiến trên chặng đường dài.

Chế độ đãi ngộ cả về vật chất lẫn tinh thần không chỉ căn cứ vào học hàm, học vị mà cần dựa trên năng lực cống hiến tương xứng. Không cào bằng trong đánh giá năng lực.

Cần đặt mỗi con người vào đúng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường. Cần có chính sách tôn vinh xứng đáng với những đóng góp, không chỉ dừng lại ở việc trao chức vụ. Với những đóng góp to lớn, giàu ý nghĩa, hãy tôn vinh trên bình diện toàn xã hội.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/trong-dung-nhan-tai-khong-chi-bang-vat-chat-post720876.html