13 giờ ôn thi mỗi ngày, thí sinh đuối sức trước thềm thi vào lớp 10

Sát kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều học sinh ở Hà Nội và TP.HCM căng thẳng, đuối sức vì phải học và luyện đề liên tục.

 Nhiều học sinh căng thẳng trước ngày tranh suất vào lớp 10 công lập. Ảnh: Thành Đông.

Nhiều học sinh căng thẳng trước ngày tranh suất vào lớp 10 công lập. Ảnh: Thành Đông.

“Lịch học của em dày đặc từ sáng đến chiều, cả trong tuần lẫn cuối tuần. Tính ra vài tuần nay, em hiếm khi được nghỉ ngơi trọn vẹn, kể cả buổi tối hay ngày nghỉ", Hoàng Thư, học sinh lớp 9 tại Long Biên, Hà Nội, nói về những tuần cuối cùng trước kỳ thi vào lớp 10 công lập.

Không riêng Thư, tháng 5, nhiều học sinh lớp 9 trên cả nước đang “chạy nước rút" ôn tập cho kỳ thi vào 10. Nhiều em bày tỏ căng thẳng, đuối sức ở chặng cuối.

Căng mình ôn thi, học 13 giờ/ngày vẫn lo trượt

Ba tuần nữa, Hoàng Thư sẽ thi vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều, điểm chuẩn năm ngoái trung bình khoảng 8,35 điểm/môn. Qua những lần thi thử, Thư lo sốt vó khi chỉ đạt trung bình từ 8-8,5 điểm/môn, không chênh lệch nhiều so với điểm chuẩn năm trước.

Càng gần cuối, Thư càng ra sức học. Cách đây một tuần, nữ sinh tăng từ 6 lên 8 buổi học thêm mỗi tuần. Cùng với đó là học ôn trên trường từ thứ hai đến thứ bảy.

“17h15 tan học ở trường, em tiếp tục di chuyển đến lớp học thêm. Hôm nào thầy cô chữa đề, tan học muộn, 21h30 em mới về tới nhà. 22h, em tiếp tục tự học đến khoảng 23h30. Một tuần, chỉ riêng tối thứ 5 là em không đi học thêm”, Thư chia sẻ bữa tối của em diễn ra sau giờ học thêm. Trung bình mỗi ngày, em học khoảng 13 giờ, có ngày nhiều hơn.

 Chỉ duy nhất tối thứ 5, Hoàng Thư (bàn đầu, thứ 2, từ phải sang) không tham gia lớp học thêm. Ảnh: NVCC.

Chỉ duy nhất tối thứ 5, Hoàng Thư (bàn đầu, thứ 2, từ phải sang) không tham gia lớp học thêm. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, Thư lo nhất là môn Ngữ văn bởi dù luyện nhiều đề hay thi thử, điểm môn này luôn chênh vênh ở mức 7,75-8.

“Em hay sai ở những câu hỏi phụ, nên lo lắm. Bây giờ, mỗi tuần, em làm khoảng 5 đề thi môn Văn, tất cả đều căn giờ tương tự thi thật", Thư nói.

Học với cường độ cao, áp lực điểm số từ việc thi thử khiến Thư căng thẳng hơn. Nhiều hôm thiếu ngủ nên thỉnh thoảng ở trên lớp, Thư bị đau đầu và không thể tập trung học.

Thiếu ngủ, đau đầu cũng là tình trạng của Minh Phương (học sinh ở TP.HCM) trong giai đoạn chạy nước rút để chuẩn bị thi vào lớp 10. Thậm chí, nhiều lúc nữ sinh bị chóng mặt, mất thăng bằng nếu đột ngột đứng dậy hoặc chạy quá nhanh.

“Em không bị sút cân nhưng cả người lúc nào cũng thấy thiếu sức sống. Nhiều hôm em mệt đến mức không tỉnh táo nổi, chỉ muốn ở nhà ngủ tiếp”, Phương tâm sự.

Chia sẻ thêm với Tri thức - Znews, Minh Phương cho biết em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, hai nguyện vọng còn lại gồm một trường ở quận 1 và một trường ở quận 3.

Năm 2024, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lấy 780 chỉ tiêu, tăng so với con số 690 như thông báo ban đầu. Nếu so với năm 2023, chỉ tiêu của trường tăng nhiều, nhưng Minh Phương vẫn cảm thấy lo lắng về khả năng trúng tuyển của bản thân.

Lý do là vào năm 2023, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lấy điểm chuẩn khá cao, 24,25 điểm, tương đương hơn 8 điểm mỗi môn. Phương và bạn bè cùng lớp nhiều lần thảo luận và dự đoán có thể năm nay trường sẽ giữ nguyên hoặc tăng điểm chuẩn 0,5-1 điểm chứ sẽ không giảm.

“Toán và Tiếng Anh thì em không lo lắm vì bình thường thi thử em vẫn đạt từ 9 điểm trở lên ở hai môn này, nhưng môn Văn thì em vẫn hơi sợ vì học chưa tốt lắm”, Phương nói.

 Học sinh cuối cấp tập trung vào việc ôn tập, luyện đề để làm quen với kỳ thi. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Học sinh cuối cấp tập trung vào việc ôn tập, luyện đề để làm quen với kỳ thi. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Đặt cược vào kỳ thi lớp 10

Ôn thi gặp nhiều khó khăn, bản thân cũng áp lực nhưng Hoàng Thư chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Thay vì đăng ký thêm trường tư thục để dự phòng, Thư chỉ đăng ký đúng 3 nguyện vọng như Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn. Nữ sinh quyết tâm thi đỗ nguyện vọng 1 bởi đây là ngôi trường em yêu thích từ lâu.

“Em không đăng ký trường tư thục cũng để có thêm động lực đỗ trường công. Bên cạnh đó, em cũng đăng ký nguyện vọng 2 có điểm chuẩn cách xa nguyện vọng 1 để yên tâm hơn nếu chẳng may trượt", Thư chia sẻ.

Thời gian này, nữ sinh tập trung vào chiến thuật củng cố, hệ thống lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài thay vì học thêm kiến thức mới. Dù trong ngày học nhiều, Thư cũng cố gắng không thức khuya để hôm sau có tinh thần học tốt.

Trong khi đó, biết rõ bản thân chưa mạnh ở môn Ngữ văn, Minh Phương dành thời gian cho môn học này nhiều hơn, thậm chí lúc ăn cơm cũng mở file bài giảng lên nghe. Nữ sinh nói cách nghe giảng thụ động này mang lại hiệu quả vì giúp em nhớ nội dung lâu hơn.

Về phần môn Toán và Tiếng Anh, Phương vẫn duy trì thói quen mỗi ngày giải một đề để rèn phản xạ làm bài và củng cố kiến thức. Để tạo thói quen, nữ sinh bấm giờ, luyện giải đề theo đúng thời gian giống như lúc làm bài trong phòng thi.

Chỉ còn ít thời gian nữa, học sinh tại nhiều địa phương trên khắp cả nước sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước chuyển tiếp lên bậc THPT. Với những học sinh như Minh Phương hay Hoàng Thư, kỳ thi này là cột mốc quan trọng của cuộc đời nên các em muốn cố gắng hết mình để đậu vào trường THPT em mơ ước.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/13-gio-on-thi-moi-ngay-thi-sinh-duoi-suc-truoc-them-thi-vao-lop-10-post1476646.html