Trồng cây dưới đường điện: 'Thiếu tầm nhìn dễ gây lãng phí'

Theo giáo sư Lê Đình Khả, cách trồng cây ở Hà Nội thiếu tầm nhìn xa, có thể chủ trương đúng nhưng cách làm sai quy trình, dễ gây lãng phí.

Câu chuyện trồng cây ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý từ dư luận. Trước đó, nhiều người xôn xao về chuyện trồng cây dưới gầm đường tàu, thì nay, lại thêm băn khoăn, lo lắng trước việc trồng cây dưới đường điện cao thế.

Tuy nhiên, lý giải cho điều này, Công ty TNHH MTV công viên - cây xanh Hà Nội khẳng định rằng, nhiều nước trên thế giới cũng làm thế và việc khống chế chiều cao sẽ thường xuyên thực hiện.

Hàng trăm cây xanh được trồng mới ngay dưới lưới điện 110KV trên tuyến đường Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Dân Việt).

Lý giải của đơn vị trồng cây có thực sự hợp lý? Để đánh giá khách quan về vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã trao đổi cùng giáo sư Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, chuyên gia cây xanh.

- Thưa giáo sư, qua kinh nghiệm ông có nhận xét và đánh giá gì về chuyện Hà Nội trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao?

Tôi cũng đã đi thực tế quan sát về hàng cây trồng dưới đường sắt trên cao, có cây thật sự đã trạm cả trần bê tông… Có thể về chủ trương họ đúng nhưng loại cây chưa đúng. Tôi cho rằng ở đó họ nên trồng cây bách xanh nó thấp và phù hợp hơn.

- Cây chiêu liêu có phù hợp với khí hậu Hà Nội không, thưa giáo sư?

Cây chiêu liêu hay còn gọi là bàng lá nhỏ (bàng Đài Loan) là cây gỗ lớn có độ cao có thể phát triển đến 20m. Cây này có nhiều ở tây nguyên và tôi nghĩ trồng ở Hà Nội cũng phù hợp. Về chiều cao, họ có thể khống chế nhưng đây là loại cây rụng nhiều lá về mùa đông và thích hợp trồng trong công viên hơn.

Cây bách xanh thì thấp, nhỏ gọn, tán khá đẹp và tôi cho rằng nó hợp lý hơn.

Cây bách xanh được giáo sư Lê Đình Khả nhắc đến - (Ảnh: Internet).

- Mới đây, tại tuyến đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm - Hà Nội), thành phố lại trồng cây dưới đường điện cao thế, giáo sư thấy thế nào?

Về trồng cây dưới đường dây điện, tôi cho là không hợp lý, bởi ở nhiều nơi người ta còn chặt cây đi để đảm bảo an toàn lưới điện. Nhiều nơi họ trồng sau 1 thời gian phải chặt đi và vì vậy nếu không tính toán, không có tầm nhìn thì quá lãng phí.

- Ông nghĩ sao khi Công ty TNHH MTV công viên – cây xanh Hà Nội nói rằng sẽ khống chế chiều cao?

Tôi cho rằng trồng cây mà cứ đi cắt ngọn thì lãng phí quá và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Trồng cây thì phải có tầm nhìn 10 -20 năm sau. Phải biết chọn loại cây phù hợp với mục tiêu và từng địa điểm.

Xin cảm ơn giáo sư!

Trước ý kiến lo ngại của một số người dân về việc cây bàng lá nhỏ hay chiêu liêu về sau cho hoa có mùi hôi.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và giáo sư Lê Đình Khả cho rằng lo lắng trên là không đúng.

Chuyên gia sinh học nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết: Loại cây này có rất nhiều thành phố đã trồng và thực sự rất đẹp.

Theo vị chuyên gia, đây là loại cây lá nhỏ, hoa nhỏ khá là đẹp. “Nếu khống chế ngọn thì nó sẽ phát triển chiều ngang cành bên nên đẹp lắm. Chờ 5 – 7 tháng nữa cây phát triển thì bà con chắc chắn sẽ thích”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh.

Thu Trần

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/trong-cay-o-duong-dien-thieu-tam-nhin-de-gay-lang-phi-a301859.html