Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhìn lại những thành công lớn nhất của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định cam kết gắn kết và đề cao quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Gần đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink đã có chuyến thăm và làm việc tại một loạt các nước Đông Nam Á bao gồm Singapore, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trong cuộc gặp mới đây tại Hà Nội - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Thành công lớn nhất của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong cuộc họp báo trực tuyến với phóng viên một số nước Đông Nam Á mới đây, ông đã chia sẻ về nội dung chuyến làm việc tại các nước này, đồng thời nói đến những thành công mà Mỹ đã có được trong việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hướng đến tự do, cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và vững vàng.

Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, bất chấp những thách thức toàn cầu mà Mỹ cũng như các nước Đông Nam Á đang cùng đối mặt, nước Mỹ vẫn duy trì chiến lược với sự tập trung cao vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Kritenbrink khẳng định ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là đầu tư vào sức mạnh tập thể của các nước đồng minh, đối tác và bạn bè của Mỹ và nhấn mạnh đến một số thành công trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ trong thời gian gần đây:

Thứ nhất, Mỹ tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Washington DC vào năm 2022, Mỹ khẳng định ủng hộ tính tập trung, thống nhất của ASEAN, tầm nhìn của ASEAN với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, ông Kritenbrink khẳng định Mỹ cũng rất vinh dự vì đã nâng cấp được quan hệ ngoại giao với ASEAN lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Thứ hai, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Mỹ đã củng cố và làm mạnh mẽ hơn quan hệ với một số nước đồng minh và đối tác truyền thống, trong đó nổi bật nhất phải kể đến việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam và Ấn Độ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đồng thời cũng gia tăng kết nối và hợp tác với một số nước đối tác then chốt trong khu vực trong đó có Philippines.

Thứ ba, tháng 10-2023, sau một năm đàm phán và thêm bốn tháng rà soát pháp lý, thỏa thuận đầu tiên trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) đã được công bố.

Thỏa thuận IPEF liên quan đến Khả năng Phục hồi Chuỗi cung ứng mang lại cho thế giới những hiểu biết cụ thể đầu tiên về những gì mà IPEF có thể bổ sung vào cấu trúc kinh tế của khu vực.

Trong thỏa thuận này có nhiều nước đối tác của Mỹ bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Hà Nội, ông Daniel J. Kritenbrink và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ mới đây đã kết thúc Đối thoại châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức kể từ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm ASEAN, các mối đe dọa xuyên quốc gia, hợp tác an ninh kinh tế và thúc đẩy các mục tiêu chung hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh và có sức chống chịu.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng đã có các cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung để thảo luận về việc thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Việt Nam được nâng cấp gần đây.

Mục tiêu chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm tới

Trong thời gian tới, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ vẫn giải quyết các vấn đề trong khu vực dựa trên con đường ngoại giao với các đối tác tại ASEAN nhằm đảm bảo tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, thừa nhận và tôn trọng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Đồng thời, phía Mỹ cũng khẳng định sẽ dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để củng cố cho năng lực hàng hải cho các nước đối tác, đặc biệt gia tăng nhận thức về khu vực hàng hải.

Cuối cùng, ông Kritenbrink khẳng định về sự hiện diện và cam kết của Mỹ với các nước trong khu vực. Mục tiêu là đảm bảo cho hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền lợi của các nước trong khu vực.

Mỹ công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần đầu tiên vào tháng 11-2017. Chiến lược này bao gồm bốn nội dung chính bao gồm kết nối, thịnh vượng, an ninh, gia tăng sức chống chịu.

Ngọc Diệp

Nguồn PLO: https://plo.vn/tro-ly-ngoai-truong-my-nhin-lai-nhung-thanh-cong-lon-nhat-cua-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-post779648.html