Trở lại Lũng Cà

'Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm', trong đầu tôi chợt nhớ tới hai câu thơ ấy của nhà thơ Hoàng Trung Thông khi trở lại xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) lần này. Có một sự trùng hợp thú vị, những lần tôi đến Lũng Cà đều là lúc đất trời chuẩn bị vào Đông, sự trùng hợp đó đã giúp tôi có được sự so sánh chính xác hơn: Lũng Cà đang khác!

Không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, anh Hoàng Văn Tính và nhiều hộ đồng bào người Mông khác ở Lũng Cà đang từng bước tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống.

Không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, anh Hoàng Văn Tính và nhiều hộ đồng bào người Mông khác ở Lũng Cà đang từng bước tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống.

Lên khỏi con dốc cuối cùng trên cung đường kéo dài từ trung tâm xã đến gần cuối xóm Lũng Luông, con đường bê tông được chia làm hai, một nhánh dẫn vào Lũng Cà. Cũng giống như lần trước, tôi vào quán của vợ chồng chị Lý Thị Pành nơi đỉnh dốc, đây là quán tạp hóa đầu tiên và duy nhất ở Lũng Luông và Lũng Cà. Từ đỉnh dốc nhìn xuống Lũng Cà, tôi thoáng ngạc nhiên bởi ập vào mắt không phải chỉ là màu nâu của những ô đất bỏ hoang nứt nẻ như trước, mà là những mảng màu xanh dìu dịu. Tò mò và có phần thích thú, sau vài câu thăm hỏi tình hình buôn bán và bọn trẻ nhà chị Pành, tôi cho xe rẽ xuống Lũng Cà. Nhà anh Ma Hành Du, trưởng xóm nằm ở mãi cuối đường, cách điểm cuối của con đường bê tông chừng 500m nữa.

- Lâu lắm mới thấy em lên - Câu hỏi thay lời chào đầy thiện cảm của anh Du khiến tôi có cảm giác như đang trở về thăm người thân.

- Anh chị năm nay thu được nhiều ngô quá! Tôi thốt lên khi căn nhà sàn rộng của gia đình rải kín những bắp ngô vàng ruộm. Vợ anh Du vui vẻ: “Nhà ai cũng nhiều thế đấy. Năm nay nhiều ốc sên phá ngô nếu không thì sẽ được nhiều nữa”.

Anh Du bắt đầu làm trưởng xóm từ năm 2007, lúc ấy Lũng Cà có 22 nóc nhà, 100% là hộ nghèo. Sinh kế của người dân trong xóm gần như chỉ có trồng ngô. Lũng Cà nằm lọt thỏm giữa ba bề, bốn bên là núi đá, bởi vậy mọi hoạt động sản xuất chỉ biết trông vào nước trời; tập quán canh tác lạc hậu, người dân ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước nên gia cảnh ai cũng thiếu trước, hụt sau…

Nhưng đó là chuyện của quá khứ, Lũng Cà hiện có 42 hộ với hơn 230 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 50%, còn lại là người Tày và Dao. Số hộ thoát nghèo của Lũng Cà hiện nay đã chiếm tới 64% tổng số hộ dân trong xóm. “Mấy năm trước, có mơ cũng không dám nghĩ đến sẽ có nhiều hộ thoát nghèo như vậy”, cùng với câu nói ấy, tôi nhận ra trong đôi mắt của anh Du lấp lánh bao tia hy vọng.

- Anh Du và bà con trong xóm đã làm thế nào để tạo ra sự thay đổi ấy?

- Vẫn là trồng ngô thôi, nhưng trước trồng 1kg ngô giống thu được 10 bao quả (bắp ngô), giờ vẫn 1kg ngô giống nhưng thu về được từ 20 -25 bao quả. Vì giống ngô lai hiện nay năng suất lắm.

- Nhưng chỉ có thay đổi giống ngô như thế thôi có đủ giúp hơn một nửa số gia đình trong xóm thoát nghèo trong mấy năm qua không?

- Tất nhiên chỉ thế thôi chưa đủ, người dân Lũng Cà thoát nghèo là nhờ 3 lý do chủ yếu? Là những lý do nào thế? - Tôi hào hứng.

- Thứ nhất, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình trong xóm đã mua được máy cày, bừa nên làm năng suất hơn. Trước, lúc trời mưa ào xuống, phần vì người dân chưa chịu khó, phần vì phải cày cuốc bằng sức người hoặc trâu, bò chậm lắm, không kịp giữ nước nên thường xuyên lỡ thời vụ; thứ hai, nhu cầu mua bò thịt của thương lái ở trên này rất cao, nhiều hộ dân trong xóm đã học nhau trồng cỏ voi, rồi mua bò gầy về vỗ béo, bán lại, lợi nhuận khá lớn.

Lý do thứ 3 cũng là lý do quan trọng nhất, đó là bà con đã thay đổi, chăm chỉ làm lụng. Vừa được nghe cán bộ tuyên truyền, vừa học lẫn nhau, giờ chỉ cần thấy trời có dấu hiệu mưa to là người dân gọi nhau ra ruộng be bờ, làm đất để giữ nước. Đặc biệt, bà con rất chịu khó tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Mặc dù những kiến thức được học không phải ai cũng áp dụng hết được nhưng nhiều người vận dụng giỏi lắm. Ngoài lúa, ngô, nhiều người đã biết trồng màu, trồng cây ăn quả. Nhà nhiều mỗi vụ trồng cả chục cân giống lạc, đỗ tương giống, còn rau phục vụ bữa ăn hàng ngày đa phần các gia đình tự đáp ứng được…

Nhờ nắm bắt khoa học kỹ thuật, anh Trương Văn Sinh xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nắm bắt khoa học kỹ thuật, anh Trương Văn Sinh xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung đã vươn lên thoát nghèo.

Tôi cùng anh Du đi thăm nhà anh Trương Văn Sinh, từ một hộ nghèo, gia đình anh đã vươn lên có của ăn của để. Anh Sinh thật thà: Cách đây mấy năm được đi tập huấn về trồng trọt dưới huyện, được cho đi thăm quan vườn mẫu, tôi đã mua mấy cây vải, mấy cây mít về trồng, thấy chăm được, tôi mua tiếp 20 gốc na trồng thử. Đây là vụ quả thứ hai rồi, na cho quả to, thơm mà ngọt lắm. Mỗi vụ bán cũng được một món tiền. Vụ vừa rồi tôi trồng thêm 120 gốc na nữa.

Không chỉ vậy, tận dụng diện tích xung quanh nhà, anh Sinh trồng rất nhiều chuối làm thức ăn cho lợn và trâu. Trong chuồng nhà anh Sinh hiện có 7 con trâu, bình quân mỗi năm anh bán 1 con, số tiền bán trâu làm của để dành. Anh Sinh còn nhất định “bắt” tôi phải đồng ý mang về mớ đỗ đũa non mơn mởn, vô cùng ngon mắt anh vừa hái từ vườn nhà. Anh bảo: - Trước thì rau xanh cũng không có mà ăn, giờ biết rồi, chỉ cần chăm chỉ, rau sạch ăn không kịp…

Trước khi tạm biệt Lũng Cà, tôi dừng lại trên con dốc, chỗ quán bán hàng của gia đình chị Pành để hỏi thăm anh Hoàng Văn Tính. Giáp quán chị Pành, anh Tính dựng một căn lán nhỏ làm dịch vụ xay xát. Năm 2018, anh Tính là người đã làm đơn xin thoát nghèo dù hoàn cảnh gia đình còn rất nhiều khó khăn.

Tôi hỏi chuyện xin thoát nghèo, thoáng chút ngập ngừng, anh chia sẻ: - Trước đây, mỗi khi biết chuẩn bị đến đợt rà soát hộ nghèo, vì thiếu hiểu biết, nhiều người vội bán tháo trâu, bò đang vỗ béo để chứng minh là hộ… nghèo. Lúc ấy, mình thấy việc đó cũng bình thường. Nói đoạn anh khẽ thở dài rồi tiếp tục trải lòng:

- Thiển cận thế nên mãi chẳng hết nghèo. Nhiều khi xem vô tuyến, đọc báo biết được nhiều người khổ hơn mình vẫn vượt lên hoàn cảnh, thấy xấu hổ. Và cuộc sống cũng khiến mình dần nhận ra nếu chỉ trông vào sự hỗ trợ như thế thì không khá lên được. Nghĩ thế nên mình xin thoát nghèo, vay mượn thêm chút tiền mua máy sát gạo ra đây làm, vất vả nhưng chủ động được công việc và không còn cảm giác xấu hổ với ai…

Những lời nói mộc mạc, chân thành của anh Tính giống như một bản nhạc tươi vui gieo vào lòng tôi suốt chặng đường về.

Kim Ngân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xix-vao-cuoc-song/tro-lai-lung-ca-266637-198.html