Trình làng tên lửa siêu thanh 'độc nhất vô nhị' Kh-95, Nga chuẩn bị cho 'cuộc chiến tương lai'

Nga sắp thử nghiệm loại tên lửa siêu thanh Kh-95, phóng từ trên không mà chưa quốc gia nào trên thế giới sở hữu.

Tướng Zarudnitsky lưu ý các tên lửa siêu thanh bay ở tầm xa sẽ là một vấn đề lớn đối với những quốc gia đang gây hấn với Nga. (The National Interest)

Chủ nhân của nhiều kỷ lục

Giám đốc Học viện Quân sự trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu các Lực lượng Vũ trang Nga, Thượng tướng Vladimir Zarudnitsky chia sẻ trên tạp chí Tư duy Quân sự rằng lực lượng không quân Nga có thể được bổ sung các tên lửa có khả năng tiếp cận mục tiêu cách khoảng 5.000 km.

Trong bài báo có tiêu đề "Các yếu tố để chiến thắng trong các cuộc xung đột quân sự tương lai", Tướng Zarudnitsky viết rằng thành công phần lớn sẽ được đảm bảo bởi ưu thế thông tin, cũng như sự thống trị trong lĩnh vực không quân-vũ trụ.

Ông Zarudnitsky viết: “Đối với Lực lượng Không quân Vũ trụ (VKS) Nga, các loại vũ khí mới và hiện đại như máy bay ném bom chiến lược Tu-160M, hệ thống tên lửa siêu thanh trên không Kinzal; vũ khí tầm xa có độ chính xác cao trang bị cho các máy bay, cụ thể là tên lửa siêu thanh Kh-95 đang được phát triển và phân bổ cho quân đội”.

Tên lửa Kh-95 được phát triển cho máy bay ném bom Tu-22M3M, Tu-160M và máy bay ném bom tàng hình tầm xa liên lục địa PAK DA. Trong cuộc họp với đại diện Bộ Quốc phòng và Tổ hợp Công nghiệp-Quân sự Nga gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận các vấn đề cung cấp vũ khí tầm xa độ chính xác cao cho lực lượng vũ trang nước này.

Các máy bay ném bom tầm xa như Tu-160 và Tu-95MS đã được trang bị tên lửa hành trình hiện đại Kh-101 với tầm bắn lên tới 4.500 km và tên lửa Kh-102 có gắn đầu đạn nhiệt hạch. Trên thế giới chưa có loại tên lửa nào tương tự như vậy và chúng đã vượt qua các thử nghiệm chiến đấu ở Syria khá thành công.

Tuy nhiên, các tên lửa này có nhược điểm là có thể bị các hệ thống phòng không hiện đại bắn hạ. Trong khi đó, xác suất bắn trúng tên lửa siêu thanh là rất nhỏ.

Tướng Zarudnitsky lưu ý các tên lửa siêu thanh bay ở tầm xa, khoảng vài nghìn km sẽ là một vấn đề lớn đối với những quốc gia đang gây hấn với Nga.

Tu-160 và Tu-95MS có thể phóng tên lửa Kh-95 vào các mục tiêu mà không cần đi vào vùng nhận dạng phòng không hoặc thậm chí là triển khai ở khoảng cách xa đáng kể lãnh thổ đối phương.

Tạp chí National Interest của Mỹ mới đây đã đánh giá năng lực tác chiến của các máy bay ném bom mang tên lửa mà Nga sở hữu, trong đó lưu ý rằng các máy bay này đã cũ, song có tiềm năng hiện đại hóa lớn. Đặc biệt, Tu-160, mẫu máy bay nặng nhất là “chủ nhân” của nhiều kỷ lục thế giới bất bại (về trọng tải, tốc độ …), và thậm chí còn được ví như một “quái thú” thực sự.

Phát triển trên nền tảng thời Liên Xô

Tên lửa Kh-95 chưa từng được nhắc đến trước đây. Theo thông lệ, Tổng thống Putin sẽ công bố những bước phát triển "tầm cao" mới trong lĩnh vực vũ khí của Nga. Tuy nhiên, việc đề cập Kh-95 trong bài báo của Thượng tướng Zarudnitsky khó có thể được gọi là ngẫu nhiên.

Bài báo của ông là bài viết chuyên ngành, dành cho các sỹ quan am hiểu trong quân đội Nga. Các sỹ quan và tướng lĩnh Nga cần biết về các loại vũ khí tiên tiến, và qua đó có nhận thức về các hình thức chiến tranh mới trong bối cảnh xung đột hiện đại.

Trước đây, tạp chí Tư duy Quân sự do Bộ Quốc phòng Nga xuất bản bị hạn chế độc giả và chỉ những sỹ quan nhất định mới được mua tạp chí này. Các ấn phẩm thường được gói kín, gửi qua đường bưu điện, với số lượng phát hành tương đối nhỏ, chỉ từ 3-5.000 bản.

Tuy nhiên, hiện nay người ta đã có thể tải nội dung của ấn phẩm từ trang thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng Nga.

Chuyên gia quân sự, Đại tá dự bị Nikolai Shulgin bình luận: “Mỹ vẫn chưa thể bắt kịp Nga về vũ khí siêu thanh. Vừa qua, việc thử nghiệm nguyên mẫu tên lửa siêu thanh Vũ khí Hàng không Phản ứng nhanh (ARRW) AGM-183A của Lầu Năm Góc đã thất bại. Trong khi tên lửa Kinzal của Nga đã được đưa vào các hoạt động tác chiến trong vài năm qua.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tất cả những thành tựu mà Nga có trong lĩnh vực này đều dựa trên nền tảng những bước phát triển từ thời Liên Xô. Ví dụ, phòng thiết kế Raduga trong những năm 1980 và 1990 đã phát triển các dự án cho tên lửa hành trình siêu thanh Kh-90”.

Ông Shulgin lưu ý rằng việc triển khai tên lửa siêu thanh phóng từ trên không đòi hỏi phải có các máy bay hiện đại và phù hợp.

Theo ông, trong suốt giai đoạn Liên Xô và Liên bang Nga, khoảng 40 chiếc Tu-160 đã được sản xuất. Tổng cộng hiện Không quân Nga sở hữu 16 chiếc ‘Thiên nga trắng’, dự kiến sẽ được hiện đại hóa và 10 chiếc khác sẽ được chế tạo theo phiên bản cập nhật tại nhà máy máy bay Kazan.

"Tổng cộng, trong vòng từ 5-7 năm tới, Không quân Nga sẽ có 26 chiếc máy bay chiến lược tầm xa được hiện đại hóa này. Và vào giai đoạn 2028–2029, dự kiến quân đội sẽ sản xuất hàng loạt PAK DA.

Tất cả hoạt động sản xuất này đòi hỏi các nguồn lực đáng kể. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến việc cấp vốn cho các dự án xã hội”.

(theo TTXVN, National Interest)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trinh-lang-ten-lua-sieu-thanh-doc-nhat-vo-nhi-kh-95-nga-chuan-bi-cho-cuoc-chien-tuong-lai-154493.html