Trịnh Đức Nguyên - người truyền cảm hứng tái sử dụng các đồ vật cũ

Một chiếc tivi đen trắng hay chớm màu mang hiệu Sony Platron, một chiếc quạt điện cơ Thống Nhất, chiếc bàn là made in 'Mát-xcơ-va', nồi áp suất National, chiếc cát xét Sony walkman... có gợi cho bạn đọc 7x-8x một vùng trời ký ức tuổi thơ? Đã có một người giữ lại tất cả những thứ ấy: Anh Trịnh Đức Nguyên, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Anh Nguyên sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nhà thờ Lớn nổi tiếng Hà Nội. Ảnh: TT.

Cách sưu tầm đồ cổ không hề tốn kém

Là một người con gốc phố cổ, anh Nguyên sinh ra và lớn lên tại khu phố Nhà Thờ, Hoàn Kiếm nổi tiếng Hà Nội. Khi còn nhỏ, anh đã có sở thích muốn lưu giữ những kỷ vật, dù đó là những món đồ chơi mà trẻ con hàng xóm đã vứt đi, hay chỉ là những món đồ anh nhặt được trên hè phố, thậm chí trong thùng rác hoặc ở cửa hàng đồ cũ...

Chiếc bình cổ bằng đồng cùng một chiếc quạt cũ đã đi qua rất nhiều năm tháng trong góc đồ cổ của anh Nguyên. Ảnh: TT.

Góc cát - sét của anh Nguyên: việc sưu tầm đồ cổ chỉ đơn giản là xin lại tất cả những món đồ mọi người đã vứt đi, cho vào sọt rác... Ảnh: TT.

Nếu như sưu tầm đồ cổ là một trong những thú vui "đắt đỏ", khá tốn kém của các tay chơi Hà Thành thì đối với anh Nguyên, việc sưu tầm đồ cổ chỉ đơn giản là xin lại tất cả những món đồ mọi người đã vứt đi, cho vào sọt rác... Anh đã cất công đi tìm, phát hiện và hỏi xin từng món ở nhiều nơi rồi tự bỏ công mang về lưu giữ trong nhà.

Từ đầu, các món đồ chỉ nhỏ xinh, không chiếm nhiều diện tích, vừa đủ để chứa trong ngôi nhà nhỏ vỏn vẹn 16m2 của anh ở trong phố cổ Hà Nội. Nhưng sau đó, anh đã quyết tâm tự tìm và xây cho mình một ngôi nhà rộng rãi hơn ở ven đô. Đề anh có thể mang các món đồ yêu quý của mình về bày biện trong không gian ấy. Một không gian rất đặc biệt... chỉ có của riêng anh.

Ngôi nhà nhìn từ một phía của vợ chồng anh Nguyên, chị Hạnh (Kim Bảng, Hà Nam). Ảnh: TT.

Kể câu chuyện về mỗi món đồ, đôi mắt anh sáng lên nhiều niềm vui: là nhạc trưởng của Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, anh đặc biệt yêu thích sưu tập các món đồ thờ, đồ lễ và các nhạc cụ âm nhạc. Trong số các đồ cũ bày biện trong tư gia, góc bày đồ thờ của anh được đặt khá trang trọng.

Góc đồ lễ, đồ thờ được anh chị bày biện khá cung kính và trang nghiêm. Ảnh: TT.

Kể câu chuyện về mỗi món đồ, đôi mắt anh Nguyên sáng lên nhiều niềm vui. Ảnh: TT.

Đặc biệt, anh còn có một chiếc đàn piano Kawai có tới cả vài chục năm tuổi. Trên đó, một bản nhạc cũ của F. Schubert (1797 - 1828), chưa kể bức tượng của Betthoven rất độc đáo được đặt trang trọng bên cạnh, trên tủ đàn... Có lẽ đây là góc yêu thích của nhiều khách mời khi tới chơi nhà người nhạc trưởng này.

Góc bài trí cây đàn piano cổ mang hiệu Kawaii, một bản nhạc cũ của F. Schubert (1797 - 1828), chưa kể bức tượng của Betthoven rất độc đáo. Ảnh: TT.

Lưu giữ những giá trị truyền thống

Anh Nguyên kể, hàng ngày đi qua những phố phường Hà Nội, anh hay quan sát và ngắm nhìn những đồ vật. Mọi người thường không thích những món đồ cũ, vì với họ, nếu đã qua sử dụng thì không còn nhiều giá trị. Nhưng anh thấy món đồ nào cũng đáng quý và đều có giá trị sử dụng, nếu nó không hỏng hóc, hư hại gì thì anh sẵn sàng xin hoặc đặt vấn đề mua về để lưu giữ.

Câu chuyện xây nhà của anh Nguyên có lẽ cũng có "một không hai" khi toàn bộ những đồ vật sử dụng cho nhà mới đều là đồ... đi xin! Anh chỉ bỏ tiền mua một mảnh đất rộng chừng 100 mét vuông. Với diện tích này, anh đã tự tay thiết kế và nhờ thợ xây ngay trong làng dựng nhà đơn giản theo thiết kế của anh.

Đó là một ngôi nhà 2 tầng đặc biệt nằm giữa làng quê yên ả, tọa lạc vuông vắn trong khuôn viên khu đất, xung quanh đều có khoảng trống để anh trồng cây và đặt các món đồ có thể để được ở ngoài trời như bể cá, chiếc võng, ô, xe cổ... ngay cả toàn bộ hệ mảng kính làm tường bọc bao quanh khu nhà, anh đã mua lại từ những công trình xây dựng bỏ đi. Đặc biệt, bộ cửa anh dùng để lắp cho nhà mới lại chính là một bộ cửa của ngôi biệt thự cổ trên đường Phan Đình Phùng, vợ chồng anh đặt mua lại để có thể tái sử dụng.

Toàn bộ góc vườn, tường kính, bộ cửa đều là đồ đã qua sử dụng... anh mua lại hoặc xin được mang về dùng để lắp cho ngôi nhà của mình. Ảnh: TT.

Anh nói, mỗi món đồ còn sử dụng tốt thì không nên ném chúng đi. Như vậy quá lãng phí, nếu bạn có thể tái chế, tái sử dụng thì bạn cũng góp phần giảm tải cho những đống rác, có thể giúp cho môi trường bớt đi rác thải. Và quan trọng là, bạn vẫn có thể tự tạo cho mình một cuộc sống tiện nghi, đủ dùng mà không cần phải mua sắm tốn kém.

Góc thật nhiều kỷ vật của Hà Nội một thời ... đạn bom, một thời hòa bình mà anh Nguyên lưu giữ. Ảnh: TT.

Không chỉ bản thân làm gương, anh đã truyền cảm hứng được cho nhiều bạn bè xung quanh về khả năng tái sử dụng các đồ vật cũ, ngay cả các thành viên trong gia đình anh cũng có thói quen thu thập các món đồ cũ. Anh chia sẻ, những món đồ đều mang trong đó những giá trị văn hóa của ông cha ngày xưa. Có nhiều người đã phải tốn kém rất nhiều công sức, chi phí để đi sưu tập. Nếu bạn có thể giữ lại các món đồ, biết đâu sau này, nó sẽ trở thành những vật phẩm vô cùng quý giá!

Anh cho rằng mình là người khá may mắn khi có nhiều người cho đồ. Vì biết anh có sở thích sưu tập đồ cũ, nhiều người có điều kiện đã giúp anh tìm được những món đồ quý với chi phí... 0 đồng. Phần vì trân quý người như anh, phần vì cũng muốn có người lưu giữ hộ những kỷ vật đi cùng năm tháng mà có lúc họ đã phải bỏ rất nhiều tiền để mua nó.

Những góc decor trong nhà đều dùng từ những đồ đã qua sử dụng: từ tấm thảm, tủ, gương, bàn ghế còn tốt... Anh đều tái chế, làm sạch vừa để sử dụng, vừa để lưu giữ. Ảnh: TT.

Thực tế, ngày nay cũng đã có rất nhiều người thích sưu tầm đồ cổ như anh Nguyên, đây là một trong những thú chơi tao nhã thu hút nhiều người tham gia. Việc sưu tầm đồ cổ tuy đòi hỏi công phu, nhưng nó cũng rất ý nghĩa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại trong lao động, sản xuất.

Với những món đồ còn tốt sẽ đem lại hiệu quả, tiết kiệm cho những người sử dụng nó. Thậm chí, những người theo trường phái tối giản cũng sử dụng phương pháp tận dụng đồ cũ cho cuộc sống của mình với những hiệu quả tuyệt vời.

Ngôi nhà ven đô, có nhiều đồ cổ của anh Nguyên và gia đình. Ảnh: TT.

Với những món đồ còn tốt sẽ đem lại hiệu quả, tiết kiệm cho những người sử dụng. Ảnh: TT.

Ngắm nhìn ngôi nhà đáng yêu của anh Nguyên, với những món đồ xinh đẹp gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời xưa cũ, cho ta cảm giác lạc về xứ sở của tuổi thơ, tuổi trẻ một thời. Một Việt Nam qua dòng thời gian với những mốc đổi mới được tái hiện lại thật sống động như một bức tranh đẹp.

Cảm ơn những người như anh Nguyên đã lưu giữ những kỷ vật quý giá của thời gian. Cảm ơn thời gian qua đi, để mỗi người của thế hệ kế tiếp biết trân trọng và nâng niu những giá trị của hiện tại, cảm nhận được niềm hạnh phúc mỗi ngày trong cuộc sống.

Tạm biệt anh và ngôi nhà giữa làng quê xinh đẹp, tôi bỗng cũng muốn giữ lại một chút kỷ niệm của riêng mình bằng những đồ vật cũ, vốn rất đẹp, rất trân quý... Còn bạn?

Tuyết Trinh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/trinh-duc-nguyen-nguoi-truyen-cam-hung-tai-su-dung-cac-do-vat-cu-179230313133648335.htm