Triều Tiên phóng vệ tinh: Bình Nhưỡng khẳng định quyết tâm, Seoul nêu nguyên nhân kĩ thuật

Triều Tiên đã đưa ra phản ứng chính thức sau khi nỗ lực đưa vệ tinh trinh sát quân sự của nước này vào quỹ đạo ngày 31/5 gặp thất bại.

Một bộ phận thuộc 'phương tiện phóng không gian' của Triều Tiên được phía Hàn Quốc thu thập trên biển Hoàng Hải. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc)

* Ngày 1/6, KCNA (Triều Tiên) đã dẫn lời bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, “phản pháo” chỉ trích của Mỹ và các nước khác về việc Triều Tiên phóng “phương tiện phóng không gian” không thành hôm 31/5. Bà nêu rõ: “Nếu việc phóng vệ tinh của Triều Tiên bị chỉ trích, Mỹ và tất cả các quốc gia khác, những nước đã phóng hàng nghìn vệ tinh, cũng cần bị lên án. Chắc chắn rằng vệ tinh trinh sát quân sự của chúng tôi sẽ được đưa vào quỹ đạo không gian một cách chính xác trong tương lai gần và bắt đầu sứ mệnh của mình”.

Trong một tin liên quan, phát biểu cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Son Gyong đã chỉ trích cuộc tập trận chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc. Viện dẫn quy mô và thiết bị tham gia tập trận, ông Kim nhận định đây là cuộc tập trận “cực kỳ nguy hiểm nhằm hoàn thiện tổng thể lệnh cấm vận xuất khẩu và chuẩn bị cho tấn công phủ đầu vào một quốc gia cụ thể trong tình huống bất ngờ”. Theo quan chức này, Bình Nhưỡng coi bất kỳ nỗ lực nào của Washington và Seoul để áp đặt “sự phong tỏa thù địch” là một lời tuyên chiến với mình.

* Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp kín với Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên, nghị sĩ Yoo Sang Bum của đảng Quyền lực Quốc dân nhận định: “Theo Báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), trục trặc kỹ thuật có thể đã xảy ra do vật thể được thiết lập để bay theo lộ trình nghiêng về phía Tây, nhưng lại phải thay đổi quá nhiều lộ trình về phía Đông qua chuyển động ngang”.

NIS cũng nhận định việc Triều Tiên phóng vệ tinh dù chưa hoàn thiện có thể liên quan đến thất bại này.

* Cũng trong ngày 31/5, có thêm nhiều ý kiến chỉ trích vụ phóng của Triều Tiên. Ngày 31/5, phát biểu ở Washington D.C, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Hyun Dong nhấn mạnh: “Hàn Quốc và Mỹ đã liên lạc ở nhiều cấp chính quyền khác nhau ngay sau vụ phóng. Hai chính phủ đã đưa ra thông điệp lên án vụ phóng của Triều Tiên, vốn chỉ làm xấu đi sự cô lập của nước này trong khi củng cố liên minh Hàn-Mỹ”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Triều Tiên "tiếp tục và hoàn toàn coi thường các nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)" và kêu gọi Triều Tiên chấm dứt mọi hành động làm gia tăng căng thẳng, thay vào đó chọn con đường đối thoại với các bên chính.

Tương tự, Bộ Ngoại giao Pháp cũng chỉ trích vụ việc nêu trên, kêu gọi Triều Tiên “chấm dứt ngay lập tức các hành động gây bất ổn… vi phạm nghị quyết HĐBA”.

* Ngày 31/5, đa số thành viên thuộc Ủy ban An ninh của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua một nghị quyết “mạnh mẽ” chỉ trích các vụ thử tên lửa đe dọa nghiêm trọng tới an toàn hàng hải và hệ thống vận chuyển quốc tế. Triều Tiên đã bác bỏ nghị quyết trên, cho rằng những vụ thử tên lửa này “diễn ra theo kế hoạch và là biện pháp phòng vệ được thực hiện bởi một quốc gia có chủ quyền”.

Nghị quyết chỉ trích Triều Tiên không thông báo trước về các cuộc diễn tập quân sự hay những biện pháp phòng vệ của nước này. Song theo Bình Nhưỡng, các vụ phóng tên lửa “dựa trên những tính toán khoa học chính xác và cân nhắc các điểm va chạm, cũng như những tuyến đường của tàu thuyền di chuyển trên biển”.

(theo AFP/Reuters/TTXVN/Yonhap)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trieu-tien-phong-ve-tinh-binh-nhuong-khang-dinh-quyet-tam-seoul-neu-nguyen-nhan-ki-thuat-229233.html