Triều Tiên 'lách' lệnh trừng phạt như thế nào?

Báo cáo một hải trình và đi theo một hải trình khác là cách mà các tàu chở nhiêu liệu Triều Tiên 'qua mặt' lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ).

Quan chức Mỹ cho biết, trong năm nay, ít nhất 8 tàu của Triều Tiên đã chở nhiên liệu từ Nga về nước.

Việc thay đổi đường đi có thể làm phức tạp các nỗ lực kiểm tra lượng nhiên liệu được cung cấp cho Triều Tiên và theo dõi việc tuân thủ mức trần về nhập khẩu nhiên liệu theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Tuyến đường chở dầu của Triều Tiên được ghi lại.

Ngoài ra, một loạt các công ty được đưa vào hành trình để làm bình phong che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa. “Bình Nhưỡng thường xuyên làm giả đăng ký của tàu chở hàng”, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall S. Billingslea cho biết.

Triều Tiên đã đăng ký số lượng tàu biển lớn kể từ ngày 2/3/2016 với 70 tàu, tăng 44% trong 18 tháng. Bình Nhưỡng cũng có động thái bất thường như chuyển các tàu từ đội tàu kinh doanh quốc tế sang đội tàu nội địa, nhằm “cố tình che giấu dữ liệu quan trọng trong việc nhận dạng tàu để lách luật hàng hải quốc tế”.

Hình ảnh được cho là các cơ sở dự trữ dầu ở Chongjin, Triều Tiên.

8 tàu được xác định trong bộ dữ liệu theo dõi đã đi từ cảng Vladivostok của Nga và đăng ký điểm đến là Trung Quốc hoặc Hàn Quốc với Hệ thống Thông tin Kiểm soát cảng quốc gia.

Sau khi rời khỏi Nga, các tàu này được ghi nhận là đến các cảng Kimchaek, Chongjin, Hungnam hoặc Najin của Triều Tiên. Không tàu nào đến Trung Quốc như đăng ký ban đầu.

Tất cả đều có chở một lô hàng dầu diesel và công suất dao động từ 500 - 2.000 tấn.

Một trong số các tàu là Ma Du San, thuộc sở hữu Korea Kyongun Shipping Co. của Triều Tiên, đã vận chuyển 545 tấn nhiên liệu từ cảng Pervaya Rechka ở Vladivostok, thuộc sở hữu của công ty Dầu khí độc lập Nga (IPC).

Hãng tin Reuters có giữ một giấy biên nhận vào ngày 19/5 cho thấy, hàng hóa mà tàu Ma Du San chuyên chở đến từ Khabarovskiy NPZ, một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của IPC.

Chuyến tàu khởi hành vào ngày 20/5. Các tài liệu nộp cho Hệ thống Thông tin về Kiểm soát cảng quốc gia của Nga cho thấy, điểm đến tiếp theo là cảng Trạm Giang, Trung Quốc và dỡ hàng ở Busan, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, vị trí tiếp theo của tàu Ma Du San sau khi rời Vladivostok ghi nhận được lại ở trong phạm vi của cảng Kimchaek, Triều Tiên. Các tàu của Triều Tiên đã liên tục tắt các thiết bị tín hiệu và vệ tinh không thể theo dõi vị trí của các tàu này, quan chức Mỹ cho hay.

Lan Hương (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trieu-tien-lach-lenh-trung-phat-nhu-the-nao-298594.html