Triệu Ái làm tốt công tác bảo tồn các di tích lịch sử

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử trên địa bàn xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo bằng nhiều nguồn lực và cách làm khác nhau. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của địa phương.

Công trình Tháp chuông được xây dựng năm 2020 từ nguồn huy động xã hội hóa - Ảnh: T.H

Triệu Ái là quê hương giàu truyền thống cách mạng, cái nôi của các phong trào đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Mảnh đất mà Đoan quận công Nguyễn Hoàng đóng lỵ sở đầu tiên tại gò Phù Sa, thôn Ái Tử trên bước đường khởi nghiệp để mở mang bờ cõi về phương Nam. Là nơi duy nhất ở Quảng Trị nói riêng, miền Nam nói chung mặc dù nằm trong vùng địch hậu nhưng Chi bộ Đảng Hà Xá đã mưu trí tổ chức Lễ truy điệu và để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 12/1969, xã Triệu Ái là địa phương đầu tiên của huyện Triệu Phong vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng toàn diện.

Tại mảnh đất Triệu Ái yêu thương này, những tên đất, tên làng Ái Tử, Nại Cửu, Hiệp Khế, Phong An, Kiên Phước, Tân Phổ, Hà Xá, Kiên Mỹ… đã đi vào sử sách về một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Hiện nay, toàn xã Triệu Ái có 11 di tích lịch sử, trong đó có 5 di tích quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh. Theo chính quyền địa phương, một trong những nguyên nhân chính khiến các di tích xuống cấp, mai một phần lớn là do ảnh hưởng của thiên tai và thời gian; một số di tích chưa được cắm bia, biển di tích.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ và Nhân dân xã Triệu Ái đã đẩy mạnh thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nhiều nguồn lực, phối hợp tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, đầu tư nâng cấp nghĩa trang và các phần mộ, chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nổi bật đó là Triệu Ái đã chủ động trong xây dựng kế hoạch, phương án, đề ra những giải pháp tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Trong đó, địa phương làm tốt công tác huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích. Ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, địa phương đã huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ các dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích. Nhờ đó, đến nay, nhiều di tích lịch sử trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo chống xuống cấp như: Công trình Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ; tháp chuông; di tích lịch sử Dốc Bốm; nhà bia tưởng niệm 27 liệt sĩ của Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã... với tổng kinh phí được đầu tư thực hiện gần 2,5 tỉ đồng, trong đó hơn 2 tỉ đồng từ nguồn lực xã hội hóa để thực hiện.

Bên cạnh đó, Triệu Ái đã phối hợp với các ban, ngành liên quan hoàn thiện việc cắm mốc chỉ giới khoanh vùng bảo vệ các di tích lịch sử tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đến các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Lê Hài cho biết: “Trải qua 50 năm kiến thiết, xây dựng lại quê hương từ trong hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, đến nay vùng nông thôn Triệu Ái đã thay da đổi thịt. Đảng bộ và Nhân dân xã Triệu Ái luôn khắc sâu, đời đời ghi nhớ và biết ơn các anh hùng, liệt sĩ. Việc quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn xã là những công trình tâm huyết, nguyện vọng mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân Triệu Ái kính cẩn dâng lên Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng, liệt sĩ. Đồng thời, những công trình này sẽ trở thành nơi sinh hoạt chính trị, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166150&title=trieu-ai-lam-tot-cong-tac-bao-ton-cac-di-tich-lich-su