Triết lý nhân sinh sâu sắc qua một bài thơ

Bài 'Hư - thực trong đời' của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nếu đọc thoáng qua đều có cảm tưởng buồn man mác về thân phận những chàng trai đang theo đuổi đắm say một bóng hồng với những hy vọng trào dâng.

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc đời là sự hư - thực đan xen khi ai đó đắm chìm trong mơ mộng; song trải qua cuộc sống thực, nó không đem lại “hoa thơm, trái ngọt” như họ từng ấp ủ. Toàn bộ “thông điệp” của bài thơ nằm ở đoạn cuối, mượn câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên khi dùng hình tượng em “như ngọn gió vô hình”, do vậy tất cả những câu hỏi, ước muốn của “anh” đều là “hư vô”.

Cuộc đời dạy những người khi bước vào tình yêu hãy biết mình đang là “ai” và đối tượng mình đang theo đuổi cũng là “ai”? Một khi hiểu đúng mình, hiểu đúng bản chất, và tự xác định được rằng: chỉ có mình mới “hóa giải” được những đa nghi, mắc míu; và chỉ chính mình mới tự đứng dậy bằng ý chí, nghị lực và sự lạc quan để làm “thức dậy những chồi xanh” cho chặng đường đi tiếp của cuộc đời mình. Thông điệp này hiểu rộng ra còn là, trong cuộc sống thực, mỗi người hãy tự nhận biết mình đang là ai, đứng ở ví trí nào trước cộng đồng và xã hội? Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ này:

HƯ - THỰC TRONG ĐỜI Tặng T.T.T

Nguyễn Hồng Vinh

Ai tỏ tình viết trên lá cây

Như Phạm Hầu thuở xưa ngày ấy ¹

Con nai vàng ngơ ngác dưới trăng thu

Lại sống cạnh người phác hình con đấy?!

Ai đã bơi hoài trong dòng nước Hậu Giang

Bám miết khóm hoa lục bình tím ngắt

Cứ ngỡ chỉ có mình nhận hưởng

Một mối tình sáng đẹp giữa bình minh?!

Ai đã vượt đèo lên Yên Tử

Qua bao ghềnh đá tới chùa Đồng

Những tưởng gót hồng đang phía trước

Chờ đợi ta giữa nhang khói mù sương?!

Chùa Đồng Yên Tử. Ảnh: Báo Lao Động

Ai thất thểu trở về với biển

Nơi bao con sóng cứ tung bờm

Bờ cát mịn chạy dài vô tận

Nỗi đơn côi xói lòng ai cô đơn?!

Em là ai “như ngọn gió vô hình ²?

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt”

Vạn lần cảm ơn tiếng đời họ Chế

Chỉ có tay mình thắp dậy những chồi xanh!.. ³

Cuối năm 2023

1. Phạm Hầu (1920-1944), nhà thơ quê Quảng Nam, tuy gia tài thơ không lớn, nhưng để lại nhiều bài thơ tình nổi tiếng, trong đó có bài thơ yêu say đắm Lê Minh, nhưng duyên số không thành. Sau này, Lê Minh là vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, tác giả bài thơ “Tiếng thu” với hình tượng đặc sắc “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”.

2,3. Câu thơ và ý thơ của nhà thơ chế Lan Viên.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/triet-ly-nhan-sinh-sau-sac-qua-mot-bai-tho-post276798.html