Triển vọng từ sản phẩm nấm vân chi đỏ ở Đồng Tháp

Tận dụng hiệu quả nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp, thời gian qua, TS.Trần Đức Tường - Giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp và các cộng sự đã hoàn thiện nghiên cứu thành phần cơ chất sẵn có tại địa phương để canh tác nấm vân chi đỏ. Đây được xem là “làn gió mới” trong công cuộc nghiên cứu các sản phẩm nấm dược liệu quý góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân...

TS.Trần Đức Tường (thứ 3 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm nấm vân chi đỏ đến các sinh viên tham quan, học tập mô hình

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có

Theo TS.Trần Đức Tường, trong khoảng thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bản thân nhận thấy Đồng Tháp có diện tích trồng bắp khá lớn (khoảng 4,3 ngàn ha), đạt sản lượng 35,5 ngàn tấn với năng suất 82,6 tạ/ha, tỷ lệ hạt/trái trung bình đạt 75 - 80%. Diện tích đất trồng lúa rất lớn khoảng 520,4 nghìn ha, đạt sản lượng 3.327,5 nghìn tấn với năng suất 63,9 tạ/ha. Do vậy, lượng phế phẩm trong nông nghiệp phát thải ra môi trường hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, nguồn phụ phẩm này nếu được tận dụng hiệu quả sẽ mang lại những giá trị mới.

Theo TS.Trần Đức Tường và các cộng sự, các nguồn phế phẩm nông nghiệp như: cùi bắp, vỏ trấu... chứa hàm lượng hemicellulose, cellulose, lignin khá cao, lại rất dễ thu gom, giá thành thấp, trữ lượng dồi dào, rất thích hợp để trồng các loại nấm dược liệu, trong đó có nấm vân chi đỏ. Đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, tương đối dễ trồng, thích hợp với khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao. Nguyên liệu sản xuất dồi dào, luôn sẵn có để canh tác quanh năm, thuận lợi cung cấp dược liệu sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Với những tiềm năng đó, từ tháng 10/2018, TS.Trần Đức Tường cùng các cộng sự triển khai sản xuất thử nghiệm nấm vân chi đỏ. Đến năm 2020, sản phẩm nấm vân chi đỏ đã ra đời và canh tác tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp và Hợp tác xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành. Đến năm 2022, để nâng cao hiệu quả sản xuất, TS.Trần Đức Tường thành lập Cơ sở nấm Tường Phát (ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung) nhằm sản xuất, sơ chế và kinh doanh các sản phẩm nấm vân chi đỏ.

TS.Trần Đức Tường - Giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp được vinh danh tại Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023

Nâng cao giá trị dược liệu quý

Theo TS. Tường, trồng nấm vân chi đỏ không quá phức tạp nhưng nếu không nắm rõ quy trình kỹ thuật thì khó thành công. Bởi vậy, trong sản xuất luôn phải tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, các tiêu chí về nhiệt độ, ánh sáng. Thực nghiệm xác định được cơ chất trồng có tỷ lệ phối trộn gồm: 60% cùi bắp và 40% vỏ trấu thích hợp nhất cho hệ sợi nấm phát triển tốt, lan kín bịch phôi nhanh nhất và thời điểm cho thu hoạch nấm đến sớm nhất. Theo đó, năng suất nấm thu hoạch đạt cao nhất 79g/bịch phôi tương ứng với hiệu suất sinh học đạt 20,52% đáp ứng mục tiêu nghiên cứu. Dựa trên các thông số phù hợp nhất từ thực nghiệm, quy trình công nghệ sản xuất bịch phôi giống và trồng nấm vân chi đỏ được thiết kế đạt hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng. Thời gian cho một vụ sản xuất từ khâu làm giống đến nuôi trồng sản xuất quả thể nấm sấy khô trung bình từ 5 - 7 tháng tùy vào thời tiết.

Ngoài ra, toàn bộ quá trình đóng bịch, khử trùng, cấy giống, ươm sợi trồng đến khi thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản. Đồng thời tưới bằng nguồn nước sạch nên nông sản loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo TS.Trần Đức Tường, một số công bố quốc tế và thực nghiệm đã minh chứng nấm vân chi đỏ giàu các hợp chất thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Nấm có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol, ổn định glucose huyết, kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng ung thư, thanh lọc cơ thể, bảo vệ gan, chống huyết khối... Hiện, sản phẩm đang được trưng bày, giới thiệu và kinh doanh tại các kênh Gian hàng thanh niên khởi nghiệp của Trường Đại học Đồng Tháp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh)... Đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hóa mô hình sản xuất kinh doanh và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu sản xuất và thương mại hóa loại nấm dược liệu này.

Sản phẩm nấm vân chi đỏ

TS.Tường chia sẻ: “Thời gian tới, tôi và các cộng sự sẽ chuẩn bị nâng cấp nhà xưởng để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng và phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng tác dụng tăng cường miễn dịch, bảo vệ gan từ nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus)” với đơn vị chủ trì là Trường Đại học Đồng Tháp, có sự phối hợp của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Công ty CP Dược phẩm Imexpharm. Đồng thời, có thêm nhiều nghiên cứu bổ ích cho sản phẩm nấm vân chi đỏ để nâng cao giá trị loại dược liệu quý này...”.

Với những cố gắng không mệt mỏi, công trình nghiên cứu thành phần cơ chất sẵn có tại địa phương để trồng nấm vân chi đỏ của TS.Trần Đức Tường và các cộng sự là 1 trong 79 công trình, giải pháp được vinh danh trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023” vừa qua tại Hà Nội.

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/trien-vong-tu-san-pham-nam-van-chi-do-o-dong-thap-119119.aspx