Triển vọng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Việt Nam - Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có chung mục tiêu xây dựng đất nước đi lên CNXH. Những điểm chung đó đã tạo cho hai nước cơ hội để gắn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc phát triển đất nước hòa bình, hữu nghị, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân. Để làm rõ hơn về những cơ hội, triển vọng trong quan hệ hai nước, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

- Thưa ông, Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Còn Trung Quốc thì coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của họ. Theo ông, vì sao Việt Nam và Trung Quốc đều dành cho nhau sự ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của mỗi nước như vậy?

Ông Nguyễn Vinh Quang. Ảnh: Diệp Chi

- Việc hai nước dành cho nhau sự ưu tiên như vậy, đã phản ánh thực chất của quan hệ hai nước, cũng là nguyện vọng của nhân dân hai nước. Chúng ta coi trọng quan hệ với Trung Quốc và Trung Quốc cũng vậy. Trung Quốc coi trọng chúng ta, vì Trung Quốc muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng, Việt Nam và Trung Quốc đều là hai quốc gia đi theo con đường CNXH và đạt được những thành tựu to lớn. Trung Quốc không phải là đứng một mình mà còn có Việt Nam và nhiều quốc gia nữa cũng đang đi theo con đường CNXH. Còn có một điểm nữa, Trung Quốc đã nhìn thấy Việt Nam, trong những năm qua là một nước đang phát triển như một ngôi sao trong khu vực. Việt Nam là cầu nối giữa Trung Quốc với ASEAN. Trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam có sự phát triển rất ổn định cả về kinh tế và chính trị. Cho nên họ coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là lựa chọn ưu tiên trong đối ngoại. Còn về phía Việt Nam, bên cạnh một nước lớn như vậy, có những điểm tương đồng, chúng ta muốn họ trở thành bạn bè, đối tác, hợp tác thân thiết, vì thế, năm 2008, hai nước đã nâng cấp lên là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

- Bắt đầu từ năm 2014, hai nước Việt Nam- Trung Quốc đã chính thức tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Theo ông thì việc tổ chức định kỳ sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong việc củng cố mối quan hệ hai nước?

- Tôi cho rằng, qua giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, lực lượng quân đội hai nước được kết nối với nhau. Như vậy, tạo ra sự tin tưởng và yên tâm hơn giữa hai nước láng giềng. Quân đội hai nước có những cuộc gặp nhau ở biên giới sẽ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Trên thực tế, trên thế giới có rất nhiều vấn đề mà quân đội hai bên không thể hiểu nhau, nên để xảy ra những chuyện rất đáng tiếc. Do vậy, qua giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, chúng ta thiết lập được một kênh liên lạc rất hiệu quả, không chỉ đơn thuần là gặp nhau mà còn kết nối với nhau, tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Khi có đường dây kết nối với nhau như vậy, thì có vấn đề gì gọi cho nhau, chia sẻ thông tin, trao đổi với nhau sẽ tránh được những va chạm. Vì thế, tôi nghĩ rằng, việc quân đội hai bên gặp nhau định kỳ như thế, là việc làm rất cần thiết.

- Ta và bạn đều có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Như vậy, thông qua giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, cũng sẽ góp phần rất quan trọng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị?

- Đúng thế, ta với bạn có đường biên giới trên bộ là trên 1.400km. Tôi đã từng đi rất nhiều tỉnh, rất nhiều vùng biên giới thì cảm thấy rằng, lực lượng chức năng của ta, lực lượng của bạn, cụ thể là BĐBP hai bên thường xuyên gặp gỡ nhau. Tôi đi cả 7 tỉnh biên giới của ta với hai tỉnh của Trung Quốc, là Vân Nam, Quảng Tây, thì các trạm biên phòng giữa hai bên thường xuyên gặp nhau trao đổi tình hình. Việc gặp nhau như thế, như đã nói ở trên, là có vấn đề gì thì giải quyết ngay. Cùng trao đổi với nhau, nếu trong phạm vi cấp của hai bên không giải quyết được thì báo cáo lên cấp trên. Từ những việc nhỏ đấy, mới giải quyết được những vấn đề phát sinh, vướng mắc, không để xảy ra những vấn đề lớn. Việc quân đội hai bên, lực lượng an ninh hai bên trao đổi như thế, đảm bảo để biên giới hòa bình, hữu nghị. Và như vậy mới tăng cường quan hệ hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.

Đoàn đại biểu Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Đồn Biên phòng Xín Cái (BĐBP Hà Giang, Việt Nam) với Phân trạm Hòa Bình, Phân trạm Điền Bồng (Trạm Kiểm soát biên phòng xuất, nhập cảnh Thiên Bảo, Trung Quốc) tổ chức hội đàm tổng kết công tác kiểm soát cửa khẩu, lối mở năm 2023, quý I năm 2024; triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2024, tại trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Minh Đức

- Trong quan hệ giữa hai nước thì sẽ khó tránh khỏi những vấn đề còn chưa thống nhất. Nhưng nhân dân hai nước thì luôn luôn mong muốn hai nước được hòa bình, hữu nghị, hợp tác để cùng nhau phát triển. Đó có được coi là một mẫu số chung, để hai nước có thể giải quyết tất cả những vấn đề bằng con đường ngoại giao, theo phương pháp hòa bình?

- Đúng vậy, bởi vì nhân dân hai nước đều mong muốn có hòa bình, mong muốn có giao lưu hữu nghị. Không ai mong muốn một vấn đề gì xảy ra làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước. Thực tế lịch sử đã cho thấy rồi, lúc nào mà quan hệ hai nước Việt Nam với Trung Quốc ổn định, hòa bình, thì hai nước cùng phát triển. Bạn cũng phát triển, ta cũng phát triển. Điều này có lợi không những cho nhân dân Việt Nam chúng ta, mà cho cả khu vực. Thế giới bây giờ nhìn vào Việt Nam với Trung Quốc. Họ cảm thấy đây là một tấm gương trong mối quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ. Chúng ta giữ được hòa khí giữa hai nước và phát triển hòa bình như vậy, thì các nước khác cũng yên tâm. Cho nên, việc mong muốn của người dân Việt Nam và mong muốn của người dân Trung Quốc là hai nước hòa bình, ổn định cũng là mong muốn của các nước trong khu vực.

- Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng, vừa có chung mục tiêu xây dựng đất nước theo CNXH. Ông có cho rằng, điểm tương đồng này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để hai nước có thể gắn kết và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình phát triển đất nước?

- Đúng là như thế. Chúng ta với Trung Quốc có những điểm tương đồng, cùng chung định hướng xây dựng đất nước theo CNXH. Cho nên những gì mà chúng ta làm, Trung Quốc cũng xem xét là có thể áp dụng được hay không. Những gì mà Trung Quốc thành công, chúng ta cũng xem có thể áp dụng được với chúng ta không. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của bạn. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh về sự tương đồng giữa hai nước. Ngoài có chế độ chính trị và một số cơ chế ra, quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây với quá trình phát triển Trung Quốc gần đây, đều có sự tương đồng. Đó là Trung Quốc cải cách, mở cửa, Việt Nam đổi mới. Đây được xem là 2 điểm tương đồng rất quan trọng. Gần 40 năm qua, giữa hai nước tham khảo kinh nghiệm của nhau. Chính sự học hỏi lẫn nhau, tham khảo lẫn nhau, đã giúp cho mỗi nước có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trien-vong-trong-quan-he-hai-nuoc-viet-nam-trung-quoc-post474519.html