Triển lãm mỹ thuật Đông Dương lần đầu tiên tại Đà Nẵng

Lần đầu tiên tranh của các họa sĩ thời 'mỹ thuật Đông Dương' sẽ được bày tại TP.Đà Nẵng trong cuộc triển lãm mang tên 'Trong ngọc trắng ngà'.

Triển lãm mỹ thuật "Trong ngọc trắng ngà" bày 35 tác phẩm của 14 danh họa đại diện cho Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sự kiện được xem là hoạt động đầu tiên hướng đến cột mốc 100 năm ngày thành lập ngôi trường danh tiếng này (1924 - 2024).

Tác phẩm Tắm tiên của danh họa Lê Phổ vẽ năm 1940

Lý do chọn Đà Nẵng để mở triển lãm được giám tuyển Ace Le giải thích: “Tính cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sự kiện mỹ thuật Đông Dương lớn đều diễn ra tại hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM. Với Trong ngọc trắng ngà, ban tổ chức hy vọng sẽ đem một làn gió mới tới cộng đồng yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng bằng những tác phẩm quý hiếm lần đầu tiên được ra mắt công chúng nơi đây. Từ Nguyễn Nam Sơn và Lê Phổ đến Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn... 14 danh họa được lựa chọn để đại diện cho tập thể Trường Mỹ thuật Đông Dương bằng kỹ thuật sáng tác hàn lâm Tây phương kết hợp với chất liệu và đề tài mang đậm hồn cốt Việt. Sự hội ngộ ấy đã kết tinh nên ngôn ngữ giao thoa Á - Âu độc đáo, là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam”.

Bức tranh Thiếu nữ gội đầu của danh họa Trần Văn Cẩn

Triển lãm được sắp xếp thành 5 cụm chính. Trong đó, 4 mảng tường dài giới thiệu các nhóm giảng viên-sinh viên theo những bộ môn giảng dạy chính trong Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước đây. Bắt đầu từ nhóm dessin gồm Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, nhóm sơn dầu có Joseph Inguimberty, Trịnh Hữu Ngọc, nhóm sơn mài là Alix Aymé, Phạm Hậu, nhóm đa phương tiện gồm khắc gỗ, lụa và sơn dầu của Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tôn Thất Đào, Hoàng Tích Chù.

Đặc biệt cụm thứ 5 đặt ở giữa phòng, giới thiệu nhóm họa sĩ đã di cư sang Pháp nhưng vẫn thực hành từ xa với lụa, sơn dầu và điêu khắc, của các danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Jean Volang.

Các tác phẩm được bày trong triển lãm Trong ngọc trắng ngà là một phần trong bộ tranh của nhà sưu tập của Lê Quang Khải. “Đây là nhà sưu tập mạnh về tiềm lực, có trực cảm nghệ thuật và kiến thức tốt, có quan điểm sưu tập rõ ràng, bình tĩnh. Những tranh mà tôi đã được xem đều là những tác phẩm chuẩn về giá trị, nhất là về xuất xứ”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nói.

Tác phẩm Thiếu nữ trên tràng kỷ của danh họa Jean Võ Lăng

Triển lãm Trong ngọc trắng ngà chỉ diễn ra hơn 15 ngày, nhưng vì muốn đạt chuẩn cao nên những người thực hiện đã huy động một ê kíp 30 người làm việc hơn 3 tháng ròng rã để chọn ra những tác phẩm giá trị nhất.

“Một số bức tranh cũ đã được các chuyên gia hàng đầu phục hồi “chữa trị” bài bản nên khi xem, nếu thấy nó sạch sẽ tươm tất hơn tuổi vốn có cũng đừng bất ngờ. Đây là thao tác rất bài bản thường được làm đối với các bộ sưu tập ở bảo tàng chuyên nghiệp” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho biết thêm.

Triển lãm Trong ngọc trắng ngà sẽ khai mạc vào 16 giờ ngày 22.12 tại 4 Bạch Đằng, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Vào xem tự do từ ngày 23.12.2023 đến hết ngày 7.1.2024.

“Sau gần hai thập niên song hành với nghệ thuật, chúng tôi muốn góp phần tiếp nối và lan tỏa đam mê này với cộng đồng, và thành lập Phù Sa Artv Foundation với sứ mệnh sưu tập, lưu trữ, nghiên cứu và trưng bày những tác phẩm có giá trị trong dòng chảy mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng triển lãm này sẽ đem đến một góc nhìn mới về giai đoạn văn hóa nghệ thuật Đông Dương được kể qua lăng kính của những học giả Việt.

Lê Hoàng Nam Phương - Nhà sưu tập, Giám đốc sáng lập Phù Sa Art Foundation

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trien-lam-my-thuat-dong-duong-lan-dau-tien-tai-da-nang-212144.html