Triển lãm “Chỉ là một cảm tưởng”: Cuộc chơi mới của hình ảnh

Sở hữu nghệ thuật gấp giấy siêu đẳng và bàn tay “phù thủy”, nghệ sĩ người Pháp Laurent Barnavon lần đầu tiên mang đến cho khán giả Việt một trò chơi thú vị cùng thị giác qua triển lãm sắp đặt Nội quan 1996/2016 - chỉ là một cảm tưởng. Những bức ảnh thông thường như “xé toạc” mặt giấy phẳng để bước ra đời sống thực và “thách thức” thị giác khi hiển hiện trước mắt khán giả với nhiều góc cạnh, hình thù khác nhau tùy thuộc vào góc nhìn của người xem.

Chú ong thợ Laurent Barnavon

Laurent Barnavon là một người Pháp đa tài, đa nghệ. Anh tốt nghiệp trường nghệ thuật ý niệm Villa Arson (cơ sở quốc gia đào tạo nghệ thuật đương đại duy nhất tại Pháp) và được biết đến là nghệ sĩ thị giác, nhà điêu khắc đồng thời là nghệ sĩ gấp giấy nổi tiếng thế giới. Quãng thời gian thơ ấu sống cùng gia đình người Việt tại Pháp đã nuôi dưỡng tình yêu và đam mê của anh với nghệ thuật gấp giấy. Sau 20 năm tìm tòi nghiên cứu, Laurent đã tạo ra kỹ thuật gấp giấy độc đáo có thể tạo ra những đường cong mềm mại, khối hình rắc rối chỉ từ những nếp gấp thẳng đơn giản. Đó cũng là bí mật anh đang giữ làm của riêng.

Nhiếp ảnh, điêu khắc và gấp giấy là 3 loại hình nghệ thuật Laurent thích nhất

Theo Laurent, gấp giấy là cách thức duy nhất cho phép anh kết hợp nhiếp ảnh và điêu khắc vào cùng một tác phẩm. Và phải mất quãng thời gian rất dài anh mới cho điêu khắc, nhiếp ảnh và gấp giấy gặp được nhau. Laurent tâm sự: “Bản thân là nhà điêu khắc và rất đam mê hình ảnh, yêu thích cái đẹp, đặc biệt vẻ đẹp ở người phụ nữ, nên việc kết hợp những yếu tố này với nhau gần như là hành động đương nhiên trong con đường nghệ thuật của tôi”.

Những nếp gấp chính là phương tiện để Laurent “trò chuyện” cùng hình ảnh. Bản thân hình ảnh cũng dùng chính nếp gấp đó để “giao tiếp”, tương tác với công chúng. Bởi thế, có người gọi Laurent là nghệ sĩ có bản tay phù thủy, đã hóa thân cho hình ảnh để chúng bắt đầu, tham gia vào những cuộc phiêu lưu mới mẻ. Từ hình ảnh in trên giấy của cuốn tạp chí, Laurent đã hóa phép, biến chúng thành tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật.

Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Laurent đã thành công trong việc định danh trong thế giới của những người hoạt động, sáng tác nghệ thuật. Sau nhiều năm miệt mài sáng tạo, tìm tòi và thể hiện điêu luyện kỹ thuật gấp giấy độc nhất vô nhị trên thế giới, Laurent được nhận nhiều giải thưởng danh giá: l’Observeur du design (năm 2010), Ngôi sao thiết kế (2011), trở thành Giám đốc nghệ thuật của dự án kiến trúc danh tiếng LVMH Paris (năm 2008), được thừa kế Xưởng thời trang nghệ thuật xếp nếp, Gerard Lognon, Paris (năm 2007)…

Với Laurent, việc tìm ra kỹ thuật gấp giấy mới chưa hẳn đã là thành công. Thành công là vẫn giữ được bản sắc, phong cách riêng khi phá vỡ giới hạn của bản thân trong sáng tạo. Laurent nói muốn duy trì sự tự do trong thực hành nghệ thuật bởi: “Trải nghiệm sự tự do rộng mở trong sáng tác để khám phá thế giới và khám phá bản thân”.

Laurent cùng bạn bè trong buổi khai mạc triển lãm sắp đặt

Lần này đến Việt Nam, Laurent muốn cùng khán giả Việt tạo ra trò chơi hấp dẫn thị giác qua những tác phẩm gấp giấy nghệ thuật. Đặc biệt, những tác phẩm được sáng tác và hoàn thành ngay tại Việt Nam sau thời gian Laurent quan sát, khám phá và tìm nguồn cảm hứng ở đất nước xinh đẹp này.

Để chuẩn bị cho triển lãm sắp đặt Nội quan 1996/2016 - Chỉ là một cảm tưởng, Laurent chỉ dùng 1/3 thời gian so với thông thường. Anh nói rằng: Chuẩn bị cho triển lãm tương tự thì phải gấp giấy hàng ngày trong 3 tháng. Nhưng từ thời điểm chọn người mẫu, chụp ảnh, có được những bức ảnh ưng ý và lấy được ảnh trong tạp chí làm vật liệu sáng tác thì rất sát ngày triển lãm. “Tôi đã gấp giấy 10-12 giờ/ngày, liên tục trong một tháng để kịp làm ra những tác phẩm cho triển lãm này”, Laurent nhớ lại.

Nghệ sĩ thị giác Laurent Barnavon chụp ảnh cùng bà Eva Nguyễn Bình

Nói về Laurent, bà Eva Nguyễn Bình - Tham tán Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam - cho biết: “Tôi đã theo dõi hành trình nghệ thuật của Laurent trong 10 năm qua. Anh là nghệ sĩ không thể xếp hạng trên thế giới, cũng rất cứng đầu, khó thuần dưỡng. Chúng tôi đã nói về triển lãm tại Việt Nam từ rất lâu rồi, khoảng 23 năm nay. Laurent đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 3 để chuẩn bị cho triển lãm. Có thể nói, triển lãm này rất đặc biệt”. Bà Eva cũng nói thêm: “rất khó để thuyết phục Laurent trưng bày các tác phẩm của mình trước công chúng vì anh thường giấu chúng rất kỹ”.

Laurent chia sẻ: “Dù tôi không phải người Việt, không mang dòng máu Việt, nhưng Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Đó là lý do tôi chọn Việt Nam để tổ chức triển lãm”.

Đưa hình ảnh “chạy” vào không gian

Sử dụng những đường gấp thẳng để tạo ra các khối hình học đều tăm tắp, Laurent đã giúp nhiều tấm ảnh vô tri, vô giác in trên tạp chí thời trang L’Officiel được hóa thân một cách kỳ diệu. Anh can thiệp vào từng bức hình, phá vỡ cấu trúc và thay đổi cách thức tác động thông thường đến thị giác của chúng. Những hình ảnh không còn trực quan, dễ nhìn, tiện theo dõi mà trở thành những hình khối lặp lại nhau khiến vô vàn chi tiết bị ẩn hoặc bị che giấu đi. Hình ảnh được “kéo” ra và đặt trên ranh giới mập mờ giữa mặt phẳng - hình khối, hội họa - điêu khắc.

Người xem phải tự chọn vị trí thích hợp để nắm bắt được hình ảnh ẩn sau trong những nếp gấp

“Hãy đứng xa để chiêm ngưỡng các tác phẩm, bạn sẽ thấy điều bất ngờ thú vị”, đó là lời khuyên chân thành với những người có ý định đến chiêm ngưỡng triển lãm sắp đặt này. Ở vị trí quá gần, người xem sẽ không nhìn thấy gì ngoài những khối hình gồ lên, hiện rõ trên bề mặt tờ tạp chí như: hình zic zac, tam giác, chữ nhật, hình vuông hoặc hình hoa khi nhiều nếp gấp đứng cạnh nhau… Nhưng nếu lùi ra xa, hình ảnh hiện lên rõ ràng, sắc nét hơn. Đó có thể là khuôn mặt phụ nữ, nụ cười rạng rỡ hoặc một cô gái đang hướng nhìn lên trời như đang chờ đợi điều gì đó.

Nếu ai còn nhớ trò chơi ống kính vạn hoa thì quá trình chiêm ngưỡng những tác phẩm trong triển lãm sắp đặt này cũng y hệt như vậy. Người xem phải di chuyển, phải “xoay ánh nhìn” đến một điểm cụ thể mới nhìn rõ được hình ảnh nguyên gốc của tờ tạp chí. Ở mỗi vị trí, hình ảnh lại thay đổi. Nghệ sĩ thị giác Trần Trọng Vũ chia sẻ: “Người xem triển lãm phải tự tìm ra vị trí thích hợp để nhìn và thấy được hình ảnh. Khi lại gần tôi không thấy gì cả, mọi hình ảnh bị vỡ, phá tan. Nhưng khi lùi ra xa tôi thấy được toàn bộ hình ảnh, cảm giác đó như tác phẩm 3 chiều. Dường như hình ảnh còn cử động được. Quan hệ giữa tác phẩm và công chúng hoàn toàn thay đổi, tạo nên sự tương tác thú vị với người xem”.

Một tác phẩm gấp giấy của Lauret Barnavon khi nhìn từ hai hướng khác nhau.

Bóng đổ từ các tác phẩm điêu khắc cũng thay đổi khi nhìn từ các hướng

Thông thường, mọi điểm nhìn, khoảng cách sẽ không khiến hình ảnh trong tranh, ảnh bị thay đổi. Nhưng ở triển lãm của Laurent, quy luật này không còn đúng nữa. “Hình ảnh thay đổi rất nhiều khi người xem đứng gần hay xa, bên trái hay phải, cao hay thấp. Tôi cho rằng ý tưởng gấp một hình ảnh có sẵn trên giấy để tạo thành tác phẩm 3 chiều vô cùng thông minh, chưa thấy ai trên thế giới làm được thế này. Bởi thế khi bước vào phòng triển lãm của Laurent, tôi đã sốc. Tất cả những nếp gấp đều là đường thẳng, nhưng lại tạo thành đường cong, thành các con vật. Hơn nữa, đường thẳng ấy không chạy trên mặt phẳng mà chạy cả vào không gian. Thật tuyệt vời!” - nghệ sĩ Trần Trọng Vũ nói thêm.

Cuộc hóa thân diệu kỳ này đã khiến những hình ảnh thuần túy mang nhiều tầng nghĩa hơn. Nó có thể là bức tượng, một hình ảnh hoặc một bức tranh. Với kỹ thuật gấp đặc biệt, không ai hiểu và thực hiện được ngoài Laurent Barnavon, những tấm poster hoặc tấm ảnh khổ lớn đều được gấp lại để thành tác phẩm nghệ thuật. Bởi thế anh Vũ cho rằng “Diện tích khổ giấy lớn có thể co lại, có khi chỉ bằng 1/4 lúc đầu nhưng hình ảnh không thay đổi. Nếu hình ảnh bị bóp méo thì do chủ tâm của tác giả. Anh ta có thể gấp một nụ cười thành người đang khóc”.

Không chỉ tạo ra trò chơi thị giác hấp dẫn, Laurent còn chơi chữ khi đặt tên cho triển lãm sắp đặt lần này. Tựa tiếng việt “Chỉ là một cảm tưởng” được dịch từ tên tiếng Pháp “Ce n’est qu’une impression”. Tên tiếng Việt có thể khá mơ hồ, nhưng với tên tiếng Pháp, người xem có thể nhận ra sự thống nhất chặt chẽ của nó với các tác phẩm. Từ “impression” trong tiếng Pháp ngoài ý nghĩa “một cảm tưởng” còn có thể hiểu là “một bức ảnh”.

Tác giả Laurent Barnavon cho biết: Đây là ý đồ của ảnh và nó được thể hiện rõ trong từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm sẽ thay đổi nhiều lần trong ngày. Tùy thuộc vào cường độ ánh sáng ngày hay đêm, nguồn chiếu sáng tự nhiên hay nhân tạo và điểm nhìn của khán giả tạo ra những hiệu ứng thị giác khác nhau, khiến người xem có cảm giác đang chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm trong cùng tác phẩm. Hình ảnh sẽ chẳng bao giờ cho kết quả duy nhất. Đó là tính đa nghĩa của hình ảnh mà tôi muốn mang đến cho khán giả”.

Bức tranh trên tường hòa thành chiếc váy xinh đẹp nhờ những nếp gấp tài tình của Laurent

Chẳng hạn như hai bức tranh được ghép từ nhiều tờ tạp chí của L’officiel dán sau hai chiếc váy trong triển lãm. Từ chất liệu chung là những tờ tạp chí, chúng có thể được ghép lại để tạo ra bức tranh hoặc gấp và xếp thành tác phẩm điêu khắc. Nghĩa là đã có hai tác phẩm khác nhau ra đời. Những tờ tạp chí được chọn lựa kỹ càng để tạo nên tác phẩm gấp giấy, rồi tác phẩm lạ thường ấy lại xuất hiện trên tạp chí tạo nên vòng “luân hồi” tuyệt diệu.

Từng có thời gian làm việc với Laurent, nên cảm nhận của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ về những tác phẩm gấp giấy của anh cũng sâu sắc hơn. Trần Trọng Vũ nói: “Con người anh và tác phẩm cùng chia nhau những hiện thực giàu có đến nao lòng. Những hiện thực chứ không chỉ một hiện thực. Điều đó cắt nghĩa cho sự đa nghĩa khủng khiếp mà anh đã đưa vào hình ảnh của mình… Trong tiến trình của tác phẩm, hình ảnh bị chậm rãi đóng lại từng phần một. Nhưng những nếp gấp bất thường của anh lại mở vào những hình ảnh khó tin, cho cuộc hóa thân kéo dài. Cuộc hóa thân này còn tiếp tục, ngay cả khi mọi nếp gấp đã được hoàn thiện”.

Nói về những khó khăn trên chặng đường 20 năm qua, Laurent chỉ trả lời ngắn gọn: “Quá trình tìm tòi và nghiên cứu đầy khó khăn, chông gai và thất bại. Còn những khoảnh khắc thành công rất hiếm hoi. Tôi có thể nói đây là khoảnh khắc thành công và hạnh phúc đầu tiên sau 20 năm đó”. Dường như Laurent muốn dành thời gian nhiều hơn để tận hưởng cảm giác hạnh phúc và vui sướng tột bậc khi những gì ấp ủ bấy lâu đã trở thành hiện thực. Dù sao đi nữa, những khó khăn, thách thức lớn nhất anh cũng đã vượt qua. Laurent đã thành công khi đưa những hình ảnh vượt ra khỏi sự trói buộc trên bề mặt phẳng lì để rồi thoải mái thể hiện bản thân trong nhiều hình thái, sắc độ khác nhau ở không gian đa chiều, rộng lớn hơn.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/trien-lam-%e2%80%9cchi-la-mot-cam-tuong%e2%80%9d-cuoc-choi-moi-cua-hinh-anh