TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15: ĐỀ XUẤT XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

Sau quá trình triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương cho biết, Bộ TTTT đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở những vùng, miền khó khăn…

Đoàn Giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” vừa có cuộc họp với một số Bộ ngành.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Bùi Hoàng Phương cho biết, để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ TTTT) đã ban hành Quyết định số 601/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2022 về việc phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ TTTT thực hiện Nghị Quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương.

Đối với việc xây dựng phương án và quyết định theo thẩm quyền về việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam: Tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, Chương trình có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp một phần chi phí cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông (khu vực đến hết năm 2020 chưa có dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định hoặc chưa có dịch vụ thông tin di động mặt đất hoặc cả 02 dịch vụ này). Việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet do doanh nghiệp viễn thông bố trí nguồn vốn, tự thực hiện đầu tư và được Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ bù đắp chi phí, bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ.

Đối với nhiệm vụ trên, đến nay, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTTTT ngày 28/10/2022 hướng dẫn thực hiện; trong đó, Bộ TTTT đã công bố danh sách các thôn thuộc khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông thuộc đối tượng được hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; bao gồm 5.156 thôn (4.618 thôn đã có điện được Chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng và 538 thôn chưa có điện sẽ được Chương trình hỗ trợ khi có điện để phát triển hạ tầng).

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương, để triển khai xây dựng định mức chi phí làm cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp đối với 1.245 thôn thuộc khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông đã được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển từ năm 2021 đến hết tháng 8/2022, Bộ TTTT đã tổ chức xây dựng, ban hành Quyết định số 1669/QĐ- BTTTT ngày 29/8/2023 ban hành Thiết kế tiêu chuẩn trạm thu phát sóng - BTS và công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu tối thiểu cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông.

Để thực hiện đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại khu vực khó khăn, Bộ TTTT đã tổ chức rà soát, xác định và công bố các thôn thuộc khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là 401 thôn tại Quyết định số 969/QĐ- BTTTT ngày 06/6/2023 và Quyết định số 1851/QĐ-BTTTT ngày 27/9/2023.

Về triển khai thực hiện chính sách và giải pháp thực hiện: Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương cho biết, hiện nay, các đơn vị thuộc Bộ TTTT đang xây dựng hồ sơ để phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện nhiệm vụ.

Việc hỗ trợ triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại những vùng, miền khó khăn là nhiệm vụ cần thiết (ảnh minh họa: Internet).

Đối với 1.245 thôn thuộc khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện đầu tư phát triển từ năm 2021 đến hết tháng 8/2022. Theo quy định tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các thôn này được thực hiện theo phương thức đặt hàng. Pháp luật về đặt hàng cung cấp dịch vụ công hiện nay (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) quy định điều kiện đặt hành phải có giá, đơn giá tính đủ chi phí, do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo quy định của pháp luật viễn thông hiện nay, chỉ có giá dịch vụ viễn thông công ích cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, chưa có quy định về xác định giá cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tính đủ chi phí cho 01 thôn nên việc xây dựng phương án giá tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ cho một thôn của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, bất cập do:

Thứ nhất: Kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động có tính quy mô theo mạng lưới của doanh nghiệp, phạm vi toàn quốc, dịch vụ cung cấp tại mỗi thôn liên quan đến chi phí hoạt động của cả mạng lưới (bao gồm hệ thống hạ tầng, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì và các chi phí khác liên quan). Việc xác định giá cung cấp dịch vụ viễn thông cho từng thôn (tính đủ chi phí) là rất khó khăn, chưa có tiền lệ trong lĩnh vực viễn thông;

Thứ hai: Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp viễn thông đối với mỗi dự án gồm nhiều địa bàn đầu tư, nhiều địa điểm đầu tư, nhiều địa bàn, ở nhiều thôn, giá trị hoàn thành công trình tính cho cả dự án, không tính riêng cho từng thôn nên ngoài thiết bị đầu tư trực tiếp tại mỗi thôn, khó xác định chi phí đầu tư đầy đủ cho mỗi thôn để tính đủ chi phí trong giá cung cấp dịch vụ cho mỗi thôn như quy định về đặt hàng;

Thứ ba: Thời điểm các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở các thôn nêu trên trong điều kiện phòng, chống dịch Covid 19, nhiều thiết bị được điều chuyển trên mạng lưới để đáp ứng yêu cầu thực hiện trong điều kiện cấp bách. Việc tổng hợp giá trị thiết bị từ nhiều nguồn để xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản để tính đủ chi phí khấu hao tài sản cố định ở mỗi thôn các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Với khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương cho rằng, việc tính đầy đủ chi phí trong giá cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho từng thôn hiện thiếu cơ sở pháp lý, phức tạp trong thực tiễn; khó đảm bảo điều kiện để thực hiện hỗ trợ theo phương thức đặt hàng. Hiện nay, Bộ TTTT đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện và cơ chế hỗ trợ tài chính cho phù hợp với đặc thù của ngành và thực tế đã triển khai.

Đối với các thôn chưa có dịch vụ viễn thông (theo Quyết định số 2269/QĐ-TTg thực hiện theo phương thức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ): Bộ TTTT đã khảo sát và hoàn thành công bố danh sách các thôn thuộc phạm vi đấu thầu cung cấp dịch vụ viễn thông như báo cáo trên. Tuy nhiên, phạm vi triển khai rộng, ở nhiều địa bàn xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn nên quá trình triển khai các thủ tục để đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cũng có phát sinh vướng mắc về cơ sở xác định dự toán kinh phí làm căn cứ xác định giá gói thầu.

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương, việc tổ chức khảo sát lập dự toán chi tiết cần nhiều thời gian, chi phí (các doanh nghiệp được đề nghị cung cấp báo giá không thuyết minh được các cơ sở tính toán cụ thể). Do đó, đến nay chưa triển khai được công tác đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các thôn này.

Với khó khăn, vướng mắc nêu trên, hiện nay, Bộ TTTT đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2269/QĐ-TTg, có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp này.

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn Giám sát cơ bản nhất trí với báo cáo của các Bộ, ngành; các báo cáo bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát, được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, nội dung rõ ràng.

Đoàn Giám sát cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân theo báo cáo của các Bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành và sẽ tổng hợp, báo cáo, phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn giám sát và các đại biểu dự họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị các Bộ rà soát, bổ sung các số liệu báo cáo cụ thể, hoàn thiện báo cáo để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Trên cơ sở cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đề nghị Tổ Giúp việc tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành để tổng hợp kết quả, hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85520