Triền khai Nghị quyết 35/2016/NQ-CP: Chờ đợi sự xuyên suốt

(HQ Online)- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ DN đến năm 2020, tạo nhiều hy vọng và thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, nếu những chính sách từ Chính phủ xuống địa phương không có sự xuyên suốt thì DN sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với những hỗ trợ từ địa phương, các DN cũng phải có sự tự lực để phát triển. (Ảnh: Trần Việt)

Cần chung tay

Các DN tại địa phương thường có năng lực tài chính yếu nên chỉ phát triển ở quy mô nhỏ, dưới dạng những cơ sở sản xuất tư nhân. Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn từ nhiều nguyên nhân.

Chia sẻ về khó khăn của DN, ông Trần Đức Tân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Thịnh (DN sản xuất gốm sứ tại Hà Nội) cho biết, cơ sở sản xuất muốn di dời ra cụm công nghiệp để thuận tiện cho sản xuất, mở rộng nhà xưởng nhưng sẽ mất chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho tiền thuê đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị. Nhưng việc vay vốn ngân hàng cũng gặp khó khi mỗi cơ sở chỉ được vay khoảng 100 triệu đồng.

Những khó khăn trên, đặc biệt là “nút thắt” về vốn cũng là vướng mắc chung của nhiều DN. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, cả nước có khoảng trên 5.000 làng nghề với hàng vạn cơ sở tư nhân, kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở này vẫn hoạt động manh mún, tự phát. Không những thế, các làng nghề hiện nay còn chịu sức ép từ tình trạng mặt bằng, đất đai cho sản xuất ngày càng thu hẹp, chịu sự cạnh tranh từ hàng hóa công nghiệp, hàng hóa NK…

Do đó, các DN đều cần đến sự chung tay giải quyết từ chính quyền địa phương, tiêu biểu như hỗ trợ tiền thuê đất, đầu tư trang thiết bị, hình thành nên các cụm công nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi giúp DN vượt khó. Theo ông Lưu Duy Dần, chiến lược hỗ trợ làng nghề đã được Chính phủ đề cập nhiều nhưng điều quan trọng là việc thực hiện xuống từng địa phương sao cho hiệu quả, phù hợp với quy mô, lĩnh vực hoạt động của từng cơ sở sản xuất và DN.

Đẩy mạnh thực hiện

Nghị quyết 35/2016/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16-5 mới đây đã chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đẩy mạnh hỗ trợ DN như tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng DN, báo chí; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Các cơ quan này phải thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách thủ tục hành chính… tạo thuận lợi cho DN. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho DN nhỏ và vừa, DN ở vùng nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công.

Thực hiện theo những quy định này, mới đây nhất, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ DN do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh là Tổ trưởng, công khai đường dây nóng để ghi nhận và xử lý vướng mắc của DN. Bên cạnh đó, với lĩnh vực tiềm năng, tỉnh đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng đến 4 nhóm ngành chính là: Điện tử, tin học, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô xe máy, dệt may - da giày. Vì thế, Bắc Ninh sẽ có chính sách riêng, đặc thù để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp này.

Tại Hà Nội, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã ghi nhận những vướng mắc của DN và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho DN, đặc biệt là các DN tại làng nghề. Theo đó, thông qua chương trình khuyến công, thành phố đã tổ chức các lớp truyền nghề, tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ TP. Hà Nội thu hút 3.000 khách thương mại, trong đó có 625 nhà NK nước ngoài ký kết 10 hợp đồng với giá trị 300.000 USD. Hà Nội cũng hỗ trợ 5 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm, 3 dự án đầu tư đổi mới trang thiết bị…

Tuy nhiên, cùng với những hỗ trợ từ địa phương, các DN cũng phải có sự tự lực để phát triển. Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Hà Nội) cho rằng, mỗi DN cần tự nỗ lực vươn lên. DN nên có chiến lược kinh doanh, đánh giá năng lực bản thân và nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để lựa chọn phân khúc sản phẩm phù hợp. Hơn nữa, các DN nên dành một nguồn vốn đầu tư cho bao bì nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng ngay thời điểm ban đầu cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, chất liệu... của sản phẩm.

Đồng quan điểm, theo ông Lưu Duy Dần, các DN cần chiến lược đổi mới sản xuất, phát triển thương mại điện tử, thậm chí là phối hợp với ngành du lịch để phát triển. Đặc biệt, DN trong cùng một lĩnh vực cần có sự liên kết để có thể thực hiện những đơn hàng lớn mà một cơ sở khó có thể đảm đương được.

Như vậy, mọi chính sách đều cần sự đồng bộ từ các cơ quan Trung ương đến địa phương, để những hỗ trợ cho DN được cụ thể và hiệu quả. Tuy nhiên, DN cũng phải có sự nỗ lực để các chính sách này là đòn bẩy và động lực của sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/trien-khai-nghi-quyet-35-2016-nq-cp-cho-doi-su-xuyen-suot.aspx