Triển khai Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Nhiều tình huống phát sinh cần được hướng dẫn

Trong quá trình triển khai Luật Thuế XK, thuế NK, Hải quan một số tỉnh thành phố gặp vướng mắc trong việc quản lý nguyên phụ liệu và phế liệu dư thừa của hợp đồng gia công; miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; miễn thuế theo Danh mục của các bộ, ngành; xử lý miễn thuế cho các tờ khai trước thời điểm 1-9-2016…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Quản lý nguyên phụ liệu dư thừa

Hải quan Bình Dương cho biết, tại đơn vị phát sinh trường hợp DN xuất trả toàn bộ nguyên phụ liệu dư và phế liệu thừa của hợp đồng gia công cho đối tác nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng gia công. Tuy nhiên, một số nguyên phụ liệu dư và phế liệu thừa này thuộc đối tượng chịu thuế XK theo quy định tại Biểu thuế XK ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP.

Trong khi đó, Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016/NĐ-CP không có quy định trường hợp XK nguyên phụ liệu và phế liệu thừa trả lại cho bên đặt gia công thuộc đối tượng chịu thuế XK.

Theo Hải quan Bình Dương, nguyên liệu NK để thực hiện hợp đồng gia công là do bên đặt gia công gửi cho bên nhận gia công cho nên phần nguyên liệu và phế liệu thừa của hợp đồng gia công cũng thuộc quyền sở hữu của bên gia công. Do đó, nếu trong hợp đồng gia công, các bên có thỏa thuận nhận lại nguyên liệu dư thừa, phế liệu sau khi kết thúc hợp đồng gia công phù hợp với Điều 32 Nghị định 187/2013/NĐ-CP thì nguyên liệu và phế liệu thừa khi tái xuất thuộc đối tượng không phải chịu thuế XK. Vì vậy, đơn vị này rất cần Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể để xử lý tình huống này.

Cũng gặp vướng mắc tương tự, Hải quan Đồng Nai cho biết, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công XK thì: “Hàng hóa NK để gia công nhưng được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy. Trường hợp hàng hóa NK để gia công được sử dụng làm quà biếu, quà tặng thì thực hiện miễn thuế theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, hàng NK để gia công không sử dụng phải tái xuất. Trường hợp không tái xuất phải kê khai nộp thuế theo quy định”. Đơn vị này thắc mắc, trường hợp DN muốn chuyển nguyên phụ liệu, vật tư dư thừa từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác thì Nghị định 134 lại không quy định. Trường hợp này cần Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể.

Xử lý với các tờ khai trước ngày 1-9-2016

Hải quan Quảng Nam thắc mắc, Luật Thuế XK, thuế NK số 45/2005/QH11 đã hết hiệu lực từ ngày 1-9-2016, như vậy, hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế cho các tờ khai đăng ký loại hình sản xuất XK trước ngày 1-9-2016 khi ban hành quyết định hoàn thuế, không thu thuế thì cơ quan Hải quan căn cứ cơ sở pháp lý nào?

Cũng gặp vướng mắc trên, Hải quan Đồng Nai cho biết, trong việc xử lý miễn thuế đối với tờ khai NK nguyên liệu sản xuất hàng XK trước ngày 1-9-2016, tuy Bộ Tài chính đã có công văn 12166/BTC-TCHQ hướng dẫn, tuy nhiên, chưa hướng dẫn rõ việc sau khi DN nộp văn bản đề nghị miễn thuế thì cơ quan Hải quan có ra quyết định miễn thuế hay nhập điều chỉnh thuế, nếu ra quyết định miễn thuế thì dựa vào căn cứ nào?

Bên cạnh đó, thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 12166/BTC-TCHQ thì lượng hàng hóa và số thuế tương ứng với hàng hóa được miễn kê khai trên tờ khai hải quan mới với trị giá tính thuế, thuế suất và tỷ giá tại thời điểm tờ khai ban đầu. Như vậy, số lượng tờ khai mới đăng ký sẽ phát sinh rất lớn, dẫn đến tăng khối lượng công việc của DN và cơ quan Hải quan.

Từ thực tế này, Hải quan Đồng Nai đề xuất cho DN khai báo gộp thông tin của nhiều tờ khai với điều kiện thể hiện đúng số lượng, trị giá tính thuế của từng dòng hàng tờ khai ban đầu và có ghi khai báo theo tờ khai số... ngày... ban đầu. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, Tổng cục Hải quan cần có hướng dẫn cách thức khai báo (các thông tin tờ khai như người NK, XK, phương tiện vận tải...), loại hình, tỷ giá, trị giá tính thuế (có nhập trị giá thủ công theo trị giá tờ khai cũ hay không) Xử lý kết quả phân luồng và kiểm tra thực tế hàng hóa...

Bên cạnh đó, Hải quan Đồng Nai cũng đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tờ khai đã nộp thuế nhưng chưa XK sản phẩm, theo quy định mới được miễn thuế NK. Sau khi DN khai báo miễn thuế, số thuế NK đã tạm nộp trước đây có được hoàn lại theo diện nộp nhầm, nộp thừa hay không? Và cách xử lý trong trường hợp đã quá thời hạn 31-12-2016 DN chưa kịp khai báo miễn thuế/không thu thuế như thế nào?

Cùng thắc mắc về vấn đề này, Hải quan Thừa Thiên-Huế có nêu, DN mở lại những tờ khai mới để được miễn thuế cho những tờ khai NK hàng hóa để sản xuất hàng XK trước ngày 1-9-2016, tuy nhiên, nếu những tờ khai mới này phân phải luồng Vàng, luồng Đỏ thì cơ quan Hải quan có kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu phải kiểm tra thì nội dung kiểm tra như thế nào?

Gặp vướng khi miễn thuế hành lý người XNC

Gặp vướng trong thực hiện miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh tại Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Hải quan một số tỉnh, thành phố cho biết, tại điểm 1 Điều 6 quy định: “Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức”. Bên cạnh đó, về miễn thuế đối với tài sản di chuyển, tại Điều 7 quy định giấy phép lao động và văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng lại không quy định rõ là loại văn bản gì?

Trong khi đó, tại Điều 45 Nghị định 08/2015/NĐ-CP có quy định hồ sơ hải quan đối với người nước ngoài đưa tài sản di chuyển vào Việt Nam khi làm thủ tục phải nộp “văn bản xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam của cơ quan tổ chức nơi người nước ngoài làm việc hoặc giấy phép lao động”.

Theo đó, để cơ cơ sở thực hiện thống nhất, các đơn vị này kiến nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ phù hợp (là giấy tờ thay thế hộ chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay giấy phép lao động và văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp?) cần phải kiểm tra khi cơ quan thực hiện miễn thuế đối với hành lý hoặc tài sản di chuyển của người xuất cảnh, nhập cảnh.

Khó thực hiện vì thiếu danh mục chuyên ngành

Hải quan Hải Phòng và TP.HCM cho biết, tại Điều 40 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm thi hành quy định của các bộ, ngành trong phạm vi, nhiệm vụ của mình phải ban hành các Danh mục theo yêu cầu của Luật thì các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải ban hành danh mục.

Cụ thể, tại Điều 21 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (miễn thuế hàng hóa NK phục vụ trực tiếp cho giáo dục) quy định: Căn cứ xác định hàng hóa chuyên dùng NK phục vụ trực tiếp cho giáo dục thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, từ 1-9-2016 đến nay chưa có bộ, ngành nào ban hành danh mục để áp dụng hiện (bởi theo quy định thì các văn bản của các bộ, ngành ban hành trước ngày 1-9-2016 chỉ có hiệu lực đối với các dự án đã cấp phép) thì cơ quan Hải quan thực hiện miễn thuế theo văn bản nào?

Thu Trang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/trien-khai-luat-thue-xuat-khau-thue-nhap-khau-nhieu-tinh-huong-phat-sinh-can-duoc-huong-dan.aspx