Trị liệu tâm lý cho trẻ em trai bị xâm hại tình dục: Cần sự đồng hành từ gia đình

'Một thời gian dài em sống trong vô định, sợ hãi, thậm chí còn hoài nghi về giới tính của mình. Lúc ấy, em không định hình được là mình bị xâm hại tình dục. Đến giờ em vẫn chưa thể quên được khoảnh khắc đó', L.M.H., 18 tuổi (ở Thanh Sơn, Phú Thọ) kể.

L.M.H luôn cảm thấy cô độc và đã rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi một mình chịu đựng những tổn thương tâm lý do bị xâm hại tình dục

Vết sẹo tâm hồn khó chữa lành

Là một học sinh nổi tiếng ngoan hiền, do có nước da trắng trẻo nên L.M.H. hay bị trêu chọc trông giống con gái. Tuổi thơ tươi đẹp của H. đã trở nên xám xịt kể từ thời điểm em bị chính thầy giáo dạy cấp 2 của mình xâm hại.

"Em không dám chia sẻ với ai mà âm thầm chịu đựng trong một thời gian dài. Em cảm thấy bản thân mình thật yếu đuối và bẩn thỉu, không muốn nghĩ lại về nó. Rất nhiều đêm em không ngủ được. Em thấy cô độc, sợ hãi khi hình dung ra những ánh mắt, sự dè bỉu, coi thường của những người xung quanh nếu như họ biết chuyện này, em thấy như không ai có thể hiểu được nỗi đau này".

H. cho biết, em đã âm thầm chịu đựng như thế hơn 5 năm, cho đến học kỳ 1 đại học năm thứ nhất, H. đã quyết định bỏ học. H. rơi vào trạng thái trầm cảm, luôn cảm thấy bị bỏ rơi khi cả gia đình không ai nhận ra những biểu hiện bất thường, không ai biết được rằng em đã bị xâm hại tình dục. Chỉ đến khi H. bỏ học, gia đình mới tá hỏa đi tìm hiểu nguyên nhân nhưng H. chỉ chia sẻ câu chuyện này với chị gái mình là L.M.N.

"Tôi đã rất đau khổ, trái tim như bị bóp nghẹn khi lần đầu nghe em mình kể lại khoảnh khắc bị xâm hại. Trong đầu tôi trống rỗng, tôi không thể tưởng tượng ra, em tôi đã phải trải qua những cảm xúc tệ hại ấy như thế nào. Cha mẹ tôi không hề biết về điều này. Khi chia sẻ câu chuyện với tôi, em đã cầu xin tôi đừng nói với bố mẹ. Sau 3 năm điều trị tâm lý, em tôi dần trở lại với cuộc sống bình thường nhưng vẫn còn rất e dè", vừa kể, chị N vừa bấm chặt các ngón tay.

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cứ 6 trẻ em nam thì 1 em có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Trong số hàng nghìn vụ xâm hại tình dục mỗi năm thì có hơn 20% số trẻ em là nạn nhân. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, cho rằng, những con số đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), các bé trai dễ rơi vào bẫy của nhiều đối tượng như người đồng tính lệch lạc về tình dục, những phụ nữ lớn tuổi có nhu cầu tình dục cao mà không được đáp ứng, những kẻ ấu dâm...

Các đối tượng không chỉ ép buộc ngay mà còn dụ bé trai qua nhiều bước rồi kích động, khơi dậy bản năng tình dục để các em có vẻ như tự nguyện thực hiện các hành vi tình dục. Chính điều này là nhân tố tác động và gây ám ảnh tâm lý, khiến việc tiếp cận với các nạn nhân gặp nhiều trở ngại.

Kiến thức về xâm hại tình dục chưa được đề cập đúng mức

Bác sĩ Trương Quốc Cường, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận một số ca trẻ em trai bị xâm hại tình dục đồng tính, trong đó có trường hợp trẻ bị xâm hại bởi chính người thân quen của gia đình.

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ sẽ rơi vào trạng thái ngại tiếp xúc, tự dằn vặt bản thân và cảm thấy tội lỗi, thậm chí trầm cảm, sang chấn nặng nề về tâm lý, đột ngột thay đổi tính cách, có thể trở thành những người rất hung hãn, có hành động bạo lực, xâm hại người khác.

Là người từng tiếp nhận điều trị tâm lý cho một số ca trẻ em trai bị xâm hại tình dục, TS.BS Dương Minh Tâm (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, do ít được quan tâm, kiến thức về xâm hại tình dục ở trẻ em trai chưa được đề cập một cách đúng mức nên có nhiều em chỉ biết âm thầm chịu đựng, có những em không nhận thức được là mình đã bị xâm hại.

Vì vậy, có rất ít trường hợp được quan tâm và điều trị tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục. "Những hình ảnh, trải nghiệm đó làm cho bệnh nhân sợ hãi, mất tập trung, người bệnh buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển. Tình trạng đó kéo dài âm thầm sẽ gây tổn hại đến sức khỏe, người bệnh cảm thấy không lối thoát, dẫn đến trầm cảm", bác sĩ Tâm phân tích.

Cũng theo bác sĩ Dương Minh Tâm, tùy vào mức độ sang chấn tâm lý, các bác sĩ sẽ kết hợp những biện pháp khác nhau. Có những trường hợp phải cho bệnh nhân kể lại với những cảm xúc đầy đủ như lúc bị hại, dần dần trị liệu thay thế bằng những cảm xúc tích cực.

Để khắc phục được tổn thương tâm lý cho các nạn nhân, điều cần thiết nhất chính là sự thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ từ gia đình.

Những ngày qua, dư luận không khỏi phẫn nộ trước thông tin thầy dạy võ taekwondo Phạm Huỳnh Minh Thuận (ở Quảng Ngãi) đã có hành vi hiếp dâm nhiều nam sinh dưới 16 tuổi, dụ dỗ các em để quan hệ tình dục bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong lúc quan hệ, Thuận đã dùng điện thoại quay clip, chụp ảnh lại để đe dọa các nam sinh.

Trước đó, vào năm 2018, ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ), đã dâm ô hàng chục nam sinh. Kẻ thực hiện hành vi đồi bại này sau đó đã bị tuyên án 8 năm tù.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tri-lieu-tam-ly-cho-tre-em-trai-bi-xam-hai-tinh-duc-can-su-dong-hanh-tu-gia-dinh-20240227093753011.htm