Tri ân đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi trong công tác giữ gìn biên giới

Chiều 1/11, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016 - 2021.

Quang cảnh lễ ký. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tham dự lễ ký kết có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Trung Tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Theo nội dung Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), hai cơ quan tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới.

Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ các vấn đề về công tác, chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tội phạm có liên quan đến đồng bào DTTS và vùng DTTS khu vực biên giới.

Khảo sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, công tác, chính sách dân tộc; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng DTTS gắn với công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trao đổi thông tin giúp cho việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng nhân dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng DTTS khu vực biên giới.

Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định: “Đây là lần đầu tiên hai cơ quan tổ chức ký kết quy chế phối hợp, phù hợp với sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội. Đây cũng là dịp hội ngộ của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ cùng tham mưu cho Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chính sách pháp luật đối với vùng miền núi, biên giới, dân tộc”.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có nhiệm vụ tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và kiến nghị các chủ trương chính sách đối với miền núi, dân tộc và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chủ trương chính sách đối với miền núi, biên giới và dân tộc.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Bộ Tư lệnh BĐBP có chung đội tượng và địa bàn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. “Vì vậy việc ký kết quy chế phối hợp là tất yếu khách quan và cần thiết. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nghiêm túc thực hiện tốt quy chế phối hợp một cách thiết thực, hiệu quả”, đồng chí Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Trong chương trình phối hợp “Vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2016-2021 giữa Ủy ban Dân tộc với Bộ Tư lệnh BĐBP nêu rõ: Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc, công tác dân tộc, chủ trương công tác ở địa phương; nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối Đại hội Đảng lần thứ XII, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới.

Phối hợp tham gia xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể cơ sở địa bàn biên giới, hải đảo trong sạch, vững mạnh; tham mưu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc. Tổ chức vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc địa bàn biên giới, hải đảo, tích cực tham gia sản xuất, làm kinh tế hộ gia đình giỏi, xóa đói giảm nghèo, động viên con em đi học; công tác y tế thôn, bản, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thường xuyên phối hợp vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn biên giới; đấu tranh tố giá tội phạm. Thường xuyên nắm tính hình địa bàn biên giới, tổng kết hoạt động thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, để từ đó đề xuất giải pháp phát triển địa bàn biên giới, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách nhằm chăm lo cho sự nghiệp pháp triển của đồng bào dân tộc.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc với Bộ Tư lệnh BĐBP là việc làm thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan làm công tác dân tộc, cơ quan biên phòng đối với an ninh biên giới quốc gia và đời sống của đồng bào các dân tộc trong vùng.

“Ban cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc tin tưởng rằng thông qua chương trình phối hợp hôm nay, cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến cơ sở sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP trong việc nắm vững tình hình, kịp thời tham mưu, kiến nghị, đề suất với các cơ quan có thẩm quyền những giải pháp xác thực nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, thinh thần của nhân dân”, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Phát biểu kết luận trong lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016 - 2021 giữa ba cơ quan là Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định: “Việc Bộ Tư lệnh BĐBP ký kết quy chế phối hợp công tác với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc rất có ý nghĩa vì cả ba cơ quan đều có nhiều cái chung là chung đối tượng, chung địa bàn, chung mục đích”.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc đã diễn ra chiều 1/11. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, BĐBP có hơn 4 vạn cán bộ, chiến sĩ thì có khoảng 3 vạn cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở cùng đồng bào DTTS, vùng biên giới. Trên tổng chiều dài biên giới quốc gia gần 8.000km thì có gần 5.000km đường biên là có đông đồng bào dân tộc sinh sống ở hơn 40 tỉnh, thành. 49/53 tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó có những dân tộc ít người.

Nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và công sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP mà đã bảo tồn và phát triển nhiều cộng đồng dân tộc ít người như đồng bào dân tộc La Hủ ở Lai Châu, bà con dân tộc Đan Lai ở Nghị An và dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh…

“Cán bộ, chiến sĩ BĐBP nhận thức rất rõ vinh dự của mình được tri ân với đồng bào các dân tộc giữ gìn biên giới của Tổ quốc, nên BĐBP đã và đang làm hết sức mình để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, bảo tồn phát huy các giá trị của đồng bào các dân tộc ở biên giới. Bộ Tư lệnh BĐBP mong muốn Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc là các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và làm công tác dân tộc tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt và tạo động lực phát triển cho khu vực biên giới, cho đồng bào các dân tộc”, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.

Viết Tôn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/tri-an-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-mien-nui-trong-cong-tac-giu-gin-bien-gioi-20161101195204853.htm