Tri ân, chẳng bao giờ nói hết!

Một người lính sau chiến tranh đi từ nghĩa trang này sang nghĩa trang khác, anh cúi xuống từng bia mộ, lặng lẽ hay thầm thì với đồng đội của mình, để rồi từ đó bật lên những vần thơ tri ân buốt nhói. Nhớ lại, trong một lần gặp nhau ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chỉ vào ngực tôi và nói thế. Tôi thầm nghĩ, đấy không phải là một phát ngôn xã giao nhưng chẳng nói gì chỉ im lặng nhìn anh. Nguyễn Quang Thiều nói đúng, nhờ viết văn, viết báo nên tôi từng được đến nhiều nghĩa trang linh thiêng trên đất nước ta để thắp lên những nén hương tưởng niệm các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hòa bình thống nhất của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân. Hà Giang, Điện Biên, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Cà Mau, Tây Ninh…và Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Còn những địa danh khác nữa tôi đã đến nhưng chưa kể hết ra đây; những vùng đất san sát, điệp trùng mộ bia liệt sĩ, hương khói ngàn ngạt tháng Bảy. Một sự thật bi tráng chúng ta chưa hề dấu diếm, lãng quên bởi rằng trong các thập kỷ chống quân xâm lược to lớn, giàu có và thường ngạo mạn thì máu xương đồng chí, đồng bào đổ xuống hoàn toàn không thể định lượng được. Thế mà, có kẻ phàn nàn, chỉ trích như muốn cho rằng mình là người rất “nhân văn”, tại sao Quốc ca Việt Nam lại nhiều súng ống, máu lửa, thây xác sa trường thế? Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành xa. Đường vinh quang xây xác quân thù…

Tôi nghĩ đó là sự chất vấn hồ đồ và nông cạn. Sao họ không hỏi rằng, vì sao, vì đâu những người dân Việt Nam phải rũ bùn đứng dậy hết chống thực dân Pháp, lại đến đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng đất nước, thống nhất non sông rồi phải tiến hành cuộc chiến tranh chống thế lực bành trướng bảo vệ Tổ quốc? Không có cuộc chiến tranh yêu nước nào được “tính” bằng giá rẻ cả. Máu nối máu thấm đỏ, thấm mặn non sông này, không chỉ của một lớp người mà nhiều thế hệ đã kế tiếp nhau đánh giặc giữ nước. Đau xót lắm chứ, trăn trở lắm chứ khi nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá / Em níu giường, níu chiếu đợi anh”.

Nỗi mất mát đau thương chảy từ quá khứ đến hiện tại, hiển lộ và chìm khuất trong dòng đời cuồn cuộn. Vết thương chiến tranh ngỡ như đã liền sẹo mà còn âm ỉ cháy trong cuộc sống hòa bình. Bài ca thời chiến trận còn vang lên từ trái tim người lính và con cháu họ, cùng với cả dân tộc này; không phải chỉ để tự hào mà cái chính là cần nhắc nhở, cần chống lại sự lãng quên, sự vô ơn, sự tráo trở, sự phản bội của ai đó và khẳng định rằng tri ân những người ngã xuống là đạo lý cao đẹp của dân tộc ta.

Trước tượng đài Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 -Ảnh: H.N.K

Công việc tri ân là của người sống. Những người hy sinh chỉ còn “sống” trong im lặng. Sự im lặng chất chứa trong đó sự huyền bí chúng ta chưa giải mã được. Sự huyền nhiệm bí ẩn đến từ thế giới khác, thế giới bên kia đôi khi giống sự lay thức mà không phải ai cũng có dịp trải nghiệm. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị là một ví dụ. Hơi lâu lâu rồi, tôi có đọc một bút ký viết về nơi này của nhà thơ Lê Đình Cánh. Tôi ám ảnh thật lâu chi tiết tiếng hô tập thể dục buổi sáng tỏ mờ trong gió núi hay tiếng hát chập chờn trong sương khuya ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Thực, hư chưa phân định nhưng tôi thấy sự linh thiêng đặc biệt ở chốn này là có thật. Đơn vị cũ của tôi, nhà máy 334 đóng ở Đông Hà từng được giao nhiệm vụ nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Một lần khi lên thăm, động viên cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây, tôi được chứng kiến một hiện tượng lạ. Có người vợ ở miền Bắc đến nghĩa trang thăm viếng chồng. Chị được ban quản trang bố trí nghỉ ngơi ở một gian phòng nhỏ dành cho thân nhân liệt sĩ. Điều lạ xảy ra, khi chị vào phòng thì có một con chim giống vành khuyên cũng bay vào theo và đậu xuống trên đầu giường. Nó dường như không biết sợ người, cứ đậu như thế mãi. Khi chúng tôi vào nói chuyện với chị thì con chim đó mới vụt bay lên đậu trên thành cửa sổ, nghiêng nghiêng đầu nhìn mọi người. Chúng tôi đi, chim lại bay về chỗ cũ. Người vợ liệt sĩ mắt ngân ngấn nước nói với chim: “Anh ơi, em từ quê vào thăm anh đây. Nếu…đúng là anh thì cứ ở đây với em nhé!”. Con chim bé nhỏ như thấu hiểu tiếng người cứ gật gật đầu. Ai giải thích hộ tôi hiện tượng tâm linh mà tôi được chứng kiến này?

Mùa hè năm 1996, tôi dự trại viết của tạp chí Văn nghệ Quân đội ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Có một đêm tôi cảm thấy rất bồi hồi, đến khuya rồi vẫn không sao chợp mắt được. Bỗng nhiên, tôi có cảm giác như mình đang trôi về thượng nguồn sông Bến Hải và trước mắt hiện lên rõ mồn một những ngôi mộ của đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Những ngôi mộ giống nhau, nằm kề nhau dưới ánh sao trời. Và điều này tôi xin kể thật, trước sự chứng giám của hơn mười nghìn anh linh đồng đội đang trú ngụ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, có ai đó đang đọc bên tôi những câu thơ mới lạ: Nằm kề nhau / Những nấm mộ giống nhau / Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao cháy / Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng / Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn / Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn…

Tôi vội vàng ngồi dậy bật đèn chép lại. Trời ơi, câu trước gọi câu sau, câu sau nối câu trước, dào dạt tuôn ra…cho đến lúc bình minh ửng hồng trên mặt biển mênh mông thì bài thơ cũng viết xong. Tôi loay hoay tìm tên cho bài thơ. Câu cuối cùng của bài thơ là: Mười nghìn khát vọng được về bên nhau. Đúng rồi, những người lính khi ra đi đã mang trong mình khát vọng đoàn tụ, khát vọng yêu thương, khát vọng hạnh phúc. Tên bài thơ ấy, không thể nào khác được là Khát vọng Trường Sơn. Xin được nhắc lại, Khát vọng Trường Sơn được trao giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996.

Với tôi, đấy là bài thơ định mệnh, một thi phẩm xúc động gắn với cuộc đời sáng tác của tôi và ngày càng trở nên quen thuộc với bạn đọc trong cả nước. Nếu không có bài thơ này, chắc chắn tôi không bao giờ được tạp chí Văn nghệ quân đội nhận về làm biên tập viên rồi Trưởng ban Thơ. Muốn được nói thêm, Khát vọng Trường Sơn đã được 3 nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành 3 ca khúc là Phạm Tuyên, Văn Chừng và Võ Thế Hùng. Với tôi, đấy là tác phẩm tri ân những đồng đội đã ngã xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác nói riêng và tất cả các anh hùng, liệt sĩ nói chung. Các anh, các chị đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc bởi đã mang trong mình khát vọng tốt đẹp của muôn người Việt. Khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của chúng ta.

Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: H.N.K

Sự tri ân chẳng bao giờ đủ. Trên mảnh đất Quảng Trị được coi như một bảo tàng chiến tranh bi tráng, sống động, thì điều ấy càng dễ nhận ra và thấm thía vô cùng. Mỗi dự án, mỗi công trình có ở đây luôn mang trong nó những ân nghĩa không nói hết tựa như sự đền đáp cho quá khứ bi hùng. Mỗi quan tâm, mỗi chia sẻ với các đối tượng chính sách mãi mãi không bao giờ là sự ban ơn mà là sự đền ơn đầy yêu thương, trân trọng. Tôi nghĩ các liệt sĩ của chúng ta đang dõi theo điều đó. Ai đi ngược, làm sai đạo lý dân tộc chắc chắn sẽ không sống được yên, sẽ bị phê phán, chê trách và chắc chắn bị trừng phạt. Những kẻ tham nhũng trước sau cũng sẽ bị lộ mặt, bị lôi ra ánh sáng, bị trừng trị theo đúng luật đời: nhân - quả và luật nước: công - tội, thưởng - phạt nghiêm minh.

Cứ ngẫm kỹ mà xem, không ai thoát nổi luật ấy đâu. Do đó, tri ân cũng bao hàm nghĩa mỗi người phải biết sống trong sạch, tử tế; cán bộ, đảng viên phải càng trong sạch, tử tế. Đây mới là cái chính, cái cốt lõi của tinh thần tri ân. Một ngôi nhà tình nghĩa. Một cuốn sổ tiết kiệm tình nghĩa. Một món quà tình nghĩa. Quý lắm, cần lắm. Nhưng quý hơn, cần hơn chính là một xã hội tốt đẹp, một xã hội công bằng, một xã hội hạnh phúc. Không có sự tri ân nào vĩ đại hơn, lộng lẫy hơn khi đất nước Việt Nam sau rất nhiều hy sinh, đau thương, mất mát trở thành nơi đáng sống. Cho hôm nay. Cho mai sau. Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người, sống để yêu nhau. (thơ Tố Hữu). Đấy là văn hóa của tương lai. Là khát vọng bao đời nay của dân tộc Việt Nam, một dân tộc biết lấy câu Thương người như thể thương thân làm minh triết tồn tại. Người ta thường hay nhắc tới câu tháng 7 là tháng tri ân. Tôi không nghĩ thế, sự tri ân như một dòng chảy chẳng bao giờ ngưng tắt. Tri ân đồng hành với nhịp sống, bước đi, chuyển động của dân tộc cả hôm nay và mai sau.

Tùy bút: Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=169149&title=tri-an-chang-bao-gio-noi-het