Trên những vùng kháng chiến cũ

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, có dịp trở lại vùng căn cứ cách mạng ngày nào, chúng tôi nhận thấy, các địa phương thực sự 'chuyển mình', dấu vết chiến tranh gần như không còn nữa.

Vươn mình đổi mới

Xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa từng là căn cứ địa cách mạng của chiến khu bưng biền “Tháp Mười anh dũng”. Do vị trí quan trọng, đây là địa bàn bị địch tấn công ác liệt, nhất là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các xóm, ấp, nhà cửa, ruộng vườn bị kẻ thù bắn phá, hủy diệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân bị bắt bớ, giam cầm nhưng vẫn một lòng theo Đảng làm cách mạng, kiên cường bám trụ, chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp giúp người dân Bình Hòa Đông phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định

Theo cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng của xã Bình Hòa Đông, trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân nơi đây đã chống càn, đánh địch 86 trận, diệt trên 2.500 tên địch, thu trên 1.800 súng các loại, diệt 15 xe tăng, làm chìm và cháy 15 tàu giặc, bắn rơi 3 máy bay,... Qua đó, góp phần giữ vững vị trí vùng căn cứ, bảo vệ các cơ quan quan trọng đóng trên địa bàn và giữ thế vùng ven làm bàn đạp tấn công vào đầu não tỉnh lỵ Kiến Tường.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như nhiều vùng kháng chiến khác, Bình Hòa Đông gặp nhiều khó khăn. Với xuất phát điểm thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém nhưng bằng tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã từng bước xây dựng lại tất cả, khôi phục và phát triển sản xuất, quê hương. Hiện tại, xã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, giáo dục và môi trường.

Các thiết chế văn hóa được đầu tư góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Bình Hòa Đông

Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Đông - Trần Thanh Vũ, những năm qua, xã tập trung triển khai, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Đồng thời, xã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp; mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, xã quan tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hỗ trợ tư liệu sản xuất, vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện để người dân cải thiện cuộc sống. Đến nay, toàn xã còn 29 hộ nghèo (chiếm 2,77%), 104 hộ cận nghèo. Năm 2021, xã xây tặng 3 căn nhà tình thương, 2 căn nhà tình nghĩa; vận động và tiếp nhận gần 580 triệu đồng, trên 1 tấn gạo, 4 tấn rau, củ, quả,... hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Gần cả đời gắn bó với vùng đất này, ông Lê Hoàng Nhi (ấp 3, xã Bình Hòa Đông) không khỏi vui mừng trước sự đổi mới của quê hương. Ông Nhi bộc bạch: “Trước đây, người dân muốn đi đâu đều phải dùng ghe, xuồng. Nay thì đường được mở rộng, trải đá, bêtông sạch sẽ. Việc đi lại bằng xe máy, ôtô thuận lợi. Ngoài ra, người dân còn được chăm sóc sức khỏe. Tất cả trẻ em đều được đến trường. Điện, nước sinh hoạt đều đủ cả”.

Phát huy truyền thống

Địa bàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành từng được chọn làm nơi đứng chân, đặt cơ quan lãnh đạo của Phân khu 3, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Huyện ủy Châu Thành. Do vậy, trong chiến tranh, Thuận Mỹ là nơi địch tập trung đánh phá hết sức ác liệt, gây nên những tổn thất to lớn về người và của. Mất mát, đau thương là thế nhưng quân và dân nơi đây đã không tiếc công sức, máu xương, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, góp phần đưa Thuận Mỹ “về đích” xã nông thôn mới nâng cao

Sau ngày giành độc lập, dù là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất của huyện Châu Thành nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Mỹ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Trên quê hương vinh dự 2 lần được công nhận danh hiệu Anh hùng đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ sản xuất lương thực không đủ ăn, đến nay, người dân có của ăn, của để; tỷ lệ hộ khá, giàu không ngừng tăng lên. Hộ nghèo đa chiều năm 2021 còn 0,58% (20 hộ).

Nhớ lại những ngày tháng gian khó, ông Nguyễn Tấn Phước (ấp Bình Trị 1, cán bộ hưu trí xã Thuận Mỹ) bồi hồi: “Những năm 1990, hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng nên việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chỉ làm lúa được 1 mùa, lương thực không đủ ăn, phải cứu đói. Trên địa bàn có hơn 45% hộ nghèo. Đường sá, cầu, cống thì nhỏ, hẹp, xuống cấp, không được rộng rãi, kiên cố như bây giờ. Đời sống người dân phải nói là khổ cực trăm bề”.

Đường giao thông xã Thuận Mỹ rộng rãi, sạch đẹp, xe ôtô có thể lưu thông dễ dàng

Vượt qua thử thách, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thuận Mỹ chung tay xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là củng cố hệ thống đê bao phục vụ phát triển sản xuất. Ngoài trồng lúa, người dân còn chuyển qua nuôi tôm, sau này là trồng thanh long, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lao động trong độ tuổi có việc làm hiện đạt trên 97%. Cảnh quan môi trường của xã ngày càng xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Hơn 6 năm qua, từ khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động nhiều nguồn lực để duy trì và nâng chất các tiêu chí. Đến cuối năm 2021, xã cơ bản hoàn thành 5/5 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Nổi bật là sản xuất phát triển, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư nâng cấp, trật tự xã hội được bảo đảm,...

Chiến tranh đã lùi xa, những vùng kháng chiến năm xưa tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, xứng đáng với truyền thống anh hùng./.

Kỳ Nam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tren-nhung-vung-khang-chien-cu-a134575.html