Trẻ ngộ độc thuốc, hóa chất: hiểm họa khôn lường

Thời gian qua, dù được các bác sĩ cảnh báo về sự nguy hại khi trẻ em bị ngộ độc thuốc, hóa chất nhưng nhiều vụ ngộ độc vẫn xảy ra. Ngộ độc hóa chất sẽ gây mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân, nếu nặng thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Trẻ ngộ độc thuốc do sự bất cẩn của người lớn

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận, điều trị kịp thời cho bé gái H.T. (3 tuổi ở Hà Nam) do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trước khi vào viện, trẻ đã ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua ở trên mạng về. Chỉ khi trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình mới phát hiện và cho trẻ vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi T.Ư.

Tại đây, bệnh nhi được rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ trẻ ổn định.

Bác sĩ khám cho trẻ điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư.

Bác sĩ Hùng cho biết, loại thuốc giảm cân bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bán trôi nổi trên các trang mạng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Đây là hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc thuốc.

Cũng tại Bệnh viện Nhi T.Ư, một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do ngộ độc thuốc chuột. Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát. Trước đó, trẻ tự đặt mua trên mạng và uống 2 tuýp thuốc diệt chuột. Sau uống, trẻ nôn nhiều, chóng mặt, gia đình phát hiện, đưa trẻ đi cấp cứu.

Trẻ nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetat. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực, chống suy hô hấp, cắt cơn giật, bồi phụ nước điện giải. Sau 20 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện.

Theo bác sĩ Hùng, hàng năm, Bệnh viện Nhi T.Ư thường tiếp nhận nhiều trẻ đến cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn,… Trong đó, một số trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột do có ý định tự tử,… điều này dẫn đến các tổn thương nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng.

Tương tự, các bệnh viện như Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều ca ngộ độc từ dịp Tết Nguyên đán đến nay.

Phòng tránh ngộ độc

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đối với thuốc diệt chuột Tetramine có tác dụng mạnh đối với hệ thần kinh, gây co giật toàn thân nặng nề. Ngộ độc xuất hiện rất nhanh, thường ngay khi đang ăn, uống phải chất này, nạn nhân bị co giật và ngã xuống, nhanh chóng tử vong do suy hô hấp. Khi nhập viện, các bệnh nhân thường phải thở máy vì tình trạng rất nặng.

“Mỗi gia đình cần cảnh báo rõ ràng về các hóa chất sử dụng trong nhà, mức độ độc hại của chúng với sức khỏe để người dân hạn chế sử dụng và nếu sử dụng phải có phương tiện phòng hộ đầy đủ. Các sản phẩm nhập khẩu cần có thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, mức độ an toàn và các khuyến cáo khi sử dụng. Các hóa chất này cũng cần để xa tầm với của trẻ em và người già” - TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Người dân không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Người dân không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kể cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng....

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Thuốc diệt chuột có thành phần Natri Fluoroacetate khi ăn hay uống phải, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan,… dẫn đến tử vong.

Hiện nay người dân có thể dễ dàng mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật thú y, trên mạng, các sàn thương mại điện tử… Đáng chú ý, Fluoroacetate là thuốc diệt chuột bị cấm lưu hành nhiều năm nhưng vẫn được bán trên thị trường hiện nay. Việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc có thể do vô ý, tự tử hoặc bị đầu độc.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tre-ngo-doc-thuoc-hoa-chat-hiem-hoa-khon-luong.html