Trẻ bị viêm phế quản cấp: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Các mẹ cần nắm được những thông tin sau về viêm phế quản cấp ở trẻ em để sớm có cách khắc phục cho trẻ.

Viêm phế quản cấp là gì?

Khác với viêm phế quản mạn tính ở trẻ, bệnh viêm phế quản cấp là tình trạng viêm phế quản chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (chỉ trong khoảng 10 ngày) và kèm theo triệu chứng ho kéo dài đến vài tuần.

Nguyên nhân phổ biến gây viêm phế quản cấp ở trẻ là một số loại virus influenza; parainfluenza; RSV; rhinovirus, adenovirus, và corona. Bé rất dễ nhiễm các loại virus này khi tiếp xúc với những giọt nước li ti bắn ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, virus còn bám vào các bề mặt mà bé hay chạm phải như bàn, ghế, nắm cửa và chúng có thể sống sót đến tận 24 tiếng.

Trẻ bị viêm phế quản cấp tính thường do các loại virus, vi khuẩn lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi

Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản cấp

Khi thấy trẻ có những triệu chứng dưới đây, mẹ cần nghĩ ngay đến viêm phế quản cấp tính để có những biện pháp điều trị kịp thời.

Bé ho dai dẳng, ho có thể kéo dài đến một tháng. Bé có thể ho khan, hoặc ho ra đờm có màu xanh, vàng, trắng, hoặc có lẫn máu.

Bé cảm thấy đau ngực khi ho hoặc khi hít một hơi thật sâu.

Đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

Bé cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.

Bé thở khò khè, hơi thở ngắn.­­­

Trẻ bị sốt kéo dài trong vài ngày.

Đây là những dấu hiệu bình thường của viêm phế quản và mẹ có thể chăm sóc bé để giảm tình trạng và mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu trên đây tức là bệnh đã trở nên nghiêm trọng và cần đưa bé đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ho dai dẳng hoặc càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.

Bé kéo giật tai hoặc than bị đau tai.

Bé bị sưng hoặc đau khớp.

Da bé bị ngứa hoặc nổi phát ban.

Bé xuất hiện các triệu chứng mới hoặc các triệu chứng cũ càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị khi bé bị viêm phế quản cấp

– Khi trẻ có các dấu hiệu bị viêm phế quản, mẹ có thể cho bé uống Acetaminophen để hạ sốt và giảm đau.

– Cho bé uống nhiều nước để giữ độ ẩm của niêm mạc đường thở vì nếu niêm mạc đường thở bị khô sẽ không ngăn được vi khuẩn và vi-rút, từ đó bé sẽ dễ bị bệnh hơn. Ngoài ra, việc cho trẻ uống nhiều nước còn giúp bé tống đàm ra ngoài được dễ dàng.

– Trong phòng cho bé nghỉ ngơi cần có độ ẩm phù hợp. Vì thế, mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương để tăng độ ẩm không khí trong nhà sẽ làm cho bé hít thở dễ dàng hơn và giảm ho.

– Khi bé bị bệnh sẽ rất kén ăn, mẹ không nên ép bé ăn. Nếu có thể, mẹ hãy cho bé ăn những loại thức ăn lỏng dễ tiêu như nước súp, nước cháo. Nếu bé đòi ăn nữa có nghĩa là bé đã bắt đầu hồi phục bệnh.

– Sau khi bé đã dần phục hồi thì mẹ vẫn cần quan sát và chăm sóc trẻ chu đáo như giữ ấm cơ thể bé, bồi bổ thực phẩm dinh dưỡng để tránh tái phát bệnh.

Trẻ bị viêm phế quản cấp cần được thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị thích hợp nhất

Phòng ngừa viêm phế quản cấp cho trẻ như thế nào?

Những phương pháp dưới đây khá hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ, mẹ nên tham khảo và thực hiện ngay cho bé nhà mình:

– Rửa tay cho bé thường xuyên giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiều loại vi trùng gây ra căn bệnh này, đặc biệt là trong mùa lạnh và cúm.

– Tránh cho bé tiếp xúc gần với người bệnh.

– Tránh để bé chạm tay vào mắt, mũi và miệng.

– Cho bé tiêm ngừa cúm hàng năm.

T/H

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tre-bi-viem-phe-quan-cap-dau-hieu-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-266070.html