Trẻ 7 ngày tuổi đã mắc bệnh ho gà

Thông tin tại Hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ 13 vừa diễn ra tại BV Nhi TW cho biết, đáng lưu ý hiện nay là độ tuổi trẻ em mắc ho gà ngày càng nhỏ tuổi, đáng lưu ý có bệnh nhân nhi mới chỉ 7 ngày tuổi đã mắc bệnh ho gà

Nghiên cứu của các y bác sỹ Khoa truyền nhiễm BV Nhi TW cho thấy, hàng năm, tại bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trẻ với chẩn đoán ho gà. Điều đáng lưu ý hiện nay là độ tuổi trẻ em mắc ho gà ngày càng nhỏ tuổi, đáng lưu ý có bệnh nhân nhi mới chỉ 7 ngày tuổi đã mắc bệnh ho gà. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ 13 vừa diễn ra tại BV Nhi TW.

Tìm hiểu đặc điểm dịch tễ bệnh ho gà ở trẻ em mắc bệnh tại BV Nhi TW trong hai năm gần đây cho thấy, độ tuổi trẻ mắc bệnh ho gà trung bình là 2 tháng tuổi. Theo kết quả nghiên cứu của các y bác sỹ tại BV Nhi TW, trên 200 bệnh nhân được chẩn đoán ho gà cho thấy, bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chiếm tỷ lệ 37%. Tỷ lệ trẻ chưa được tiêm phòng bệnh ho gà cao, chiếm tỷ lệ gần 90%, trong đó có 88% trẻ đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm.

PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW phát biểu tại hội nghị Ảnh Trần Minh

Nguyên nhân trẻ dưới 2 tháng tuổi có tỷ lệ mắc bệnh ho gà cao, bởi đây là lứa tuổi chưa được tiêm phòng ho gà, trong khi đó, miễn dịch của người mẹ với bệnh ho gà có thể thấp không đủ giúp trẻ phòng được bệnh này trong giai đoạn đầu đời. Vì vậy, nghiên cứu chỉ ra nên tiêm phòng ho gà cho bà mẹ mang thai sau 20 tuần giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ho gà cho trẻ nhỏ.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, trong những tháng đầu năm đã có 55 trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, có 5 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh ho gà trong tổng số 55 ca mắc bệnh. Tỷ lệ trẻ tử vong cao trong tổng số ca mắc bệnh ho gà là vấn đề đáng lưu tâm để các bậc phụ huynh phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Ho gà là bệnh có thể dự phòng được, tuy nhiên cho đến nay bệnh vẫn là mối đe dọa tính mạng đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy, biện pháp được coi là hiệu quả nhất cho đến nay để giúp làm giảm tỷ lệ mắc và nguy cơ tử vong là cần tiêm phòng đúng lịch cho trẻ nhỏ và phải tiêm phòng nhắc lại cho trẻ lớn.

Tại hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ 13 thu hút hơn 400 đại biểu tham dự, với 17 báo cáo khoa học cả trong nước và quốc tế được trình bày với các chủ đề như: Đặc điểm chăm sóc các trường hợp hở thành bụng bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2; Đánh giá kiến thức về phòng và xử trí sốc phản vệ của điều dưỡng các khoa lâm sàng Bệnh viện 198; Thực trạng tuân thủ quy trình kỹ thuật đặt thông tiểu của điều dưỡng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 ngày thành lập Phòng Điều dưỡng và Hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ 13, PGS.TS Lê Thanh Hải- Giám đốc BV Nhi TW nhấn mạnh: Vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhi là vô cùng quan trọng. Ngoài công tác chuyên môn, các điều dưỡng viên còn không ngừng nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao và là nguồn tài liệu quý cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp điều dưỡng chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhi.

Đội ngũ điều dưỡng đã góp phần không nhỏ trong công tác cứu chữa, chăm sóc bệnh nhi tại BV Nhi TW Ảnh Trần Minh

Năm 1987, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định thành lập Phòng Y tá – Điều dưỡng (nay là Phòng Điều dưỡng) đầu tiên tại Viện Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương). Trong 30 năm qua, Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương luôn là lá cờ đầu trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhi và hội nhập với Điều dưỡng quốc tế. Là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế thí điểm mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện, liên tục. Trong chuyên môn, điều dưỡng luôn là người đồng hành với các bác sĩ, chăm sóc bệnh nhi từ những điều đơn giản nhất như tắm bé, chăm sóc da, rốn trẻ sơ sinh… cho đến ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc, mổ tim… Ngay với các phẫu thuật khó nhất, ca bệnh thành công, sự đóng góp của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn sau mổ là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng còn là những nhân viên công tác xã hội giúp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về vật chất và tinh thần, đồng thời chia sẻ thông tin chăm sóc người bệnh, mang lại niềm tin, hy vọng cho người bệnh và gia đình.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tre-7-ngay-tuoi-da-mac-benh-ho-ga-n130363.html