Trầy trật tiến độ dự án BOT QL38, báo động ATGT

Dự án BOT QL38 nối giữa QL5 và QL1 đi qua địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương khởi công tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 4/2016.

Ngổn ngang trên công trình thi công kiểu xôi đỗ

Tuy nhiên, đến nay, sau rất nhiều lần gia hạn, đoạn đi qua Hải Dương nhiều nơi vẫn chưa hoàn thành GPMB.

11km, 4 lần vỡ tiến độ mặt bằng…

Những ngày cuối tháng 7, PV Báo Giao thông đi thực tế dọc theo QL38 từ Hải Dương sang Bắc Ninh. Dọc gần 11 km qua địa bàn 2 huyện Bình Giang và Cẩm Giàng (Hải Dương), một số đoạn đã hoàn thành nền, nhiều đoạn chưa hề được thi công hoặc mới đào xới, thi công nửa chừng tạo thành “ổ voi”, “ổ gà”. Hai bên đường nhiều đoạn la liệt những ống cống, tấm xi măng mà theo phản ánh của người dân đã có từ vài tháng nay. Đáng lưu ý, sau mỗi lượt xe, QL38 trở lên mù mịt và được người dân ví von là “con đường cát bụi” khiến không ít lần người dân 2 huyện Bình Giang và Cẩm Giàng đã ra chặn đường (Báo Giao thông đã phản ánh).

Theo cam kết của Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng hạn 30/7, trong trường hợp người dân ngăn cản thi công thì địa phương và đơn vị thi công sẽ tiếp tục tháo gỡ. Tuy nhiên, trên thực tế, nguy cơ “vỡ kế hoạch” vẫn có thể xảy ra nếu hai bên không quyết tâm và có sự phối hợp chặt chẽ.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT 38 - đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: Dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng theo hình thức BOT dài 32,8km. Theo cam kết với Bộ GTVT, dự án sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 4/2016, nhưng tới nay dự án vẫn chưa hoàn thành GPMB.

Theo ông Chí, tại Hải Dương, khi bắt đầu dự án, các bên dự kiến tháng 9/2015 sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Nhưng thực tế, tới tháng 9/2015 mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, nên Bộ GTVT gia hạn mốc 30/4/2016, rồi lại gia hạn mốc 31/6, nhưng đều bị phá vỡ.

Tại cuộc họp ngày 13/7 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái chủ trì, cả phía địa phương (UBND 2 huyện Cẩm Giàng, Bình Giang) và Công ty CP BOT 38 vẫn loanh quanh đổ lỗi cho nhau về việc chậm trễ tiến độ. Lãnh đạo Bộ GTVT và tỉnh Hải Dương đã thống nhất: Yêu cầu 2 huyện Cẩm Giàng, Bình Giang chậm nhất đến ngày 30/7 phải hoàn thành việc GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công, tới ngày 30/10, các nhà thầu phải cơ bản hoàn thành các hạng mục, ngày 30/11 hoàn thành toàn bộ dự án.

Người dân ven QL38 sống trong cảnh bụi mù mịt mỗi khi có xe chạy qua

Địa phương, chủ đầu tư đùn đẩy trách nhiệm

Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Cẩm Giàng có 9,3 km dự án đi qua, tới nay vẫn còn 75 hộ chưa nhận tiền đền bù. Tại nhiều vị trí phần mặt bằng của các hộ trên địa bàn xã Ngọc Liên và Lương Điền, người dân dù đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng (khoảng 1,41 km) nhưng vẫn gửi đơn kiến nghị nên chưa thể thi công. Tại xã Ngọc Liên, có hộ không chấp nhận phương án bồi thường, không bàn giao mặt bằng mà còn lấn chiếm hành lang ATGT. Huyện Bình Giang dù chỉ có 0,98 km dự án đi qua, nhưng vẫn còn gần 10 hộ kiến nghị GPMB, tranh chấp bồi thường…

Ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang cho biết: Địa phương gặp khó trong việc xác định nguồn gốc đất của các hộ dân và nhà đầu tư nhiều lần chậm trễ chuyển tiền GPMB. “Tôi đã không ít lần “thất hứa” với dân. Tiếp xúc với người dân, tôi hứa tuần sau có tiền vì phía BOT 38 nói là tiền đã sẵn sàng. Tuy nhiên, cả tháng sau tiền không về, một số người dân đã đồng ý nhận bồi thường nhưng chờ mãi không thấy tiền nên họ lại đổi ý”, ông Thành nói.

“Di chuyển hệ thống đường điện cần kinh phí 11 tỷ đồng, viễn thông 3 tỷ đồng. Chúng tôi đã thuê đơn vị di chuyển, thủ tục đã cơ bản nhưng nhà đầu tư vẫn chậm trễ chuyển tiền. Nhiều đoạn, địa phương đã bàn giao mặt bằng nhưng các nhà thầu thi công ì ạch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, ATGT khiến người dân bức xúc”, ông Thành thông tin thêm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Chí cho biết, việc chậm giải ngân đợt cuối tháng 5, đầu tháng 6 là do khách quan vì việc chậm mặt bằng dẫn đến chủ đầu tư phải làm việc lại với phía ngân hàng. Với các trường hợp khác, nhà đầu tư đều nghiêm túc chuyển tiền ngay khi hội đồng GPMB địa phương có phương án bồi thường. “Hiện, hội đồng GPMB huyện Cẩm Giàng vẫn giữ gần 10 tỷ đồng của chủ đầu tư chưa sử dụng đến nhưng lại không linh hoạt chi trả cho dân”, ông Chí dẫn chứng.

Liên quan đến việc hiện có rất ít các phương tiện máy móc thi công, ông Chí cho rằng: “Chúng tôi đang tranh thủ thi công từng mét mặt bằng được bàn giao. Chỉ cần có 50m mặt bằng, nhà thầu cũng thi công, không có chuyện mặt bằng đã bàn giao nhưng chúng tôi không làm như địa phương phản ánh. 11 km nhưng có tới 5 nhà thầu thi công, vấn đề là họ không có mặt bằng để làm”.

Anh Đức - Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/tray-trat-tien-do-du-an-bot-ql38-bao-dong-atgt-d160789.html