Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án (DA), chính sách dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở các huyện vùng cao như Nam Đông, A Lưới đã mạnh dạn phát triển kinh tế, từ đó từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Anh Lê Thanh Ban hạnh phúc khi nhận cặp bò vàng từ nguồn vốn các Chương trình MTQG

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại Thừa Thiên Huế đã đem lại hiệu quả. Nguồn vốn đầu tư từ các chương trình góp phần làm cho diện mạo kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa ngày càng đổi thay tích cực, đời sống người dân được nâng cao về mọi mặt.

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG về xóa đói, giảm nghèo bền vững, hơn 70 hộ dân thuộc xã Quảng Nhâm, Hồng Thượng, huyện A Lưới cũng đã được hỗ trợ 1 cặp bò vàng theo DA đa dạng hóa sinh kế mô hình chăn nuôi bò sinh sản định hướng theo chuỗi giá trị.

Ghé thăm hộ gia đình anh Lê Thanh Ban, thôn 4, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, anh Ban cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, gia đình anh đã được trao tặng cặp bò vàng đang đến độ sinh sản. “Hiện tại, cặp bò vẫn đang khỏe mạnh và phát triển tốt. Hy vọng từ cặp bò này sẽ cho ra nhiều lứa sau, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình”, anh Ban nói. Ngoài được tặng một cặp bò sinh sản, gia đình anh Ban còn được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà ở từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Đây là nguồn động lực giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ghi nhận tại xã Thượng Long, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Nam Đông, thời gian qua, các cấp chính quyền huy động nhiều nguồn lực, chính sách để hỗ trợ ĐBDTTS vươn lên. Ngoài việc xóa được 52 căn nhà tạm, chính quyền đã hỗ trợ người dân thay đổi mô hình chăn nuôi để có thêm thu nhập. Đến nay, đã có 20 hộ nghèo là đồng bào Cơ Tu được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống. Đây là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức nhưng có ý chí muốn vươn lên thoát nghèo.

Ngoài được hỗ trợ bò giống sinh sản, các gia đình còn được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi bò sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, cán bộ thú y sẽ theo dõi và tư vấn giúp người dân nếu gặp khó khăn, vướng mắc. Chị Huỳnh Thị Mang, một trong 20 hộ được hỗ trợ bò giống cho biết, chị rất phấn khởi và sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để có thêm thu nhập.

Gia đình chị Ngọc Thị Đào, xã Thượng Long, huyện Nam Đông trước đây cũng từng nuôi heo theo hướng nhốt chuồng, lại không có kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh nên kém năng suất. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho heo, được hỗ trợ vay vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi và áp dụng tốt các kiến thức đã được học, việc nuôi heo hiệu quả, gia đình chị Ngọc Thị Đào hiện đã có một trang trại nuôi heo khép kín với 4 heo mẹ, đàn heo giống và heo lấy thịt, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Chị Đào chia sẻ: “Được hỗ trợ vốn, giống, được cán bộ tập huấn kỹ thuật, gia đình tôi có điều kiện thuận lợi và có thêm nhiều kiến thức trong chăn nuôi; từ đó, có cơ hội để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu”.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin: Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con chăn nuôi, trồng cỏ để tăng hiệu quả sản xuất. Trong mùa mưa rét, bà con sẽ được tập huấn kỹ hơn về kiến thức chăn nuôi để không xảy ra tình trạng bò chết.

Cùng với việc vận động người dân thay đổi mô hình sản xuất, các cấp chính quyền ở huyện Nam Đông cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/trao-sinh-ke-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-136737.html