Tránh quá tải, chú trọng hướng nghiệp cho học sinh

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể vừa đưa ra lấy ý kiến dư luận đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà giáo và nhiều người trong xã hội.

Giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình GDPT cho biết, chương trình sách giáo khoa mới sẽ triển khai từ năm học 2018 - 2019 theo hình thức cuốn chiếu. Theo đó, chương trình sẽ tập trung phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (HS). Theo GS Thuyết, chương trình đặt mục tiêu xây dựng sáu phẩm chất cho HS gồm: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; mười năng lực cốt lõi để sống và làm việc trong xã hội hiện đại, bao gồm năng lực chung tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Kế hoạch dạy học theo chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Hệ thống môn học của chương trình GDPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Theo đó, sẽ xuất hiện nhiều môn học mới ở các bậc học, như ở cấp tiểu học có thêm môn Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ở cấp THCS có thêm môn Công nghệ và Hướng nghiệp, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ở cấp THPT xuất hiện môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ. Với HS lớp 11 và lớp 12 sẽ có thêm môn Mỹ thuật, Âm nhạc vốn chỉ có ở bậc THCS trong chương trình hiện hành.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, điểm mới nhất của Chương trình GDPT tổng thể là ở bậc THPT. Trong đó, lớp 10 là lớp dự hướng giúp HS có sự chuẩn bị nhất định về định hướng nghề nghiệp. Khi HS lên lớp 11, 12, chương trình phải bảo đảm cho HS được tiếp cận nghề nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. “Nếu học dàn trải 14, 15 môn như hiện nay thì quá tải và không bảo đảm cho HS học sâu để định hướng nghề nghiệp tương lai. Ở lớp 11 và 12, ngoài một số môn bắt buộc như: Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, HS được tự chọn năm môn học sao cho phù hợp định hướng nghề nghiệp của mình” - GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là điều kiện của giáo dục hiện nay có đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của chương trình? Lo ngại đầu tiên là đội ngũ giáo viên. Việc đào tạo mới, đào tạo lại hàng triệu giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu liên môn, tích hợp, phân hóa, đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình mới cần được làm rõ hơn.

Đánh giá về Chương trình GDPT tổng thể, ông Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình GDPT mới có nhiều thay đổi, bám sát hơn Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Trong định hướng nghề nghiệp, dự thảo chương trình mới đã nêu rõ hơn, mạnh mẽ hơn khi đưa ra một số môn bắt buộc, môn tự chọn.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, giáo dục ở bậc THPT vẫn chưa giảm tải nhiều. Hiệu trưởng Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) Đào Tuấn Đạt cho biết, số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết/tuần. HS lớp 11, 12 có bảy môn học bắt buộc, hai môn tự chọn và ba môn, một chuyên đề tự chọn bắt buộc. Số môn nhiều như vậy khiến HS không có sức và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp. Ông Đạt cho rằng: “Bắt các em học hết các môn năm lớp 10, để rồi chọn ở lớp 11, 12 là quá thận trọng. Theo tôi, hai năm lớp 11, 12 chỉ học từ hai, ba môn, còn lại là hoạt động thực tế khác”.

Cũng đưa ra những đóng góp cho dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, Hiệu trưởng Trường THPT WellSpring (Hà Nội) Đặng Đình Đại cho biết, việc định hướng nghề nghiệp của HS cấp THPT chưa rõ ràng, phần lớn là theo sự ép buộc của gia đình và ý thức chủ quan của HS, chưa tính đến năng lực thật sự của HS và nhu cầu của xã hội trong những năm sau. Các trường chưa có nhiều thông tin về thị trường lao động đang cần những ngành, nghề nào. Nếu không thực hiện chương trình GDPT tổng thể trên toàn quốc và chọn những ngành nghề xã hội đang cần để giảng dạy thì có thể chương trình sẽ thất bại.

Bên cạnh hệ thống môn học, định hướng nghề nghiệp, dự thảo chương trình tổng thể đã có những đổi mới trong đánh giá HS. Cũng đưa ra những nhận định về chương trình GDPT tổng thể, bà Nguyễn Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chương trình tốt chỉ là một điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để thành công là điều kiện trong tổ chức thực hiện, trực tiếp là đội ngũ giáo viên. Phải bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS thì mới đạt yêu cầu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32658702-tranh-qua-tai-chu-trong-huong-nghiep-cho-hoc-sinh.html