Tránh mất tiền triệu nhờ phát hiện sớm 5 cảnh báo trên xe ô tô

Để tránh sự cố không mong muốn cũng như giúp xe vận hành trơn tru, chủ xe cần hiểu được những thông điệp cảnh báo trên bảng đồng hồ xe ô tô.

Một chiếc ô tô được tạo thành từ nhiều hệ thống, mỗi hệ thống tích hợp hàng nghìn bộ phận. Khi các bộ phận này bị hỏng, bảng đồng hồ trên ô tô sẽ báo động kịp thời.

Trên táp-lô ô tô tích hợp nhiều đèn báo lỗi, khi xe đang hoạt động bình thường thì các đèn này sẽ không sáng, khi có sự cố xảy ra đèn sẽ sáng lên. 5 loại đèn quan trọng nhất trên bảng đồng hồ, khi chúng bật sáng, hãy dừng xe ngay lập tức.

Đèn báo lỗi động cơ

Đèn báo bật sáng khi hệ thống động cơ hoặc các hệ thống liên quan bị lỗi. Nguyên nhân có thể do trục trặc ở các bộ phận như bugi, kim phun, cảm biến oxy…

Người ta thường so sánh động cơ ô tô với trái tim, dầu với máu, ẩn dụ này rất sinh động. Động cơ là một trong những bộ phận cốt lõi nhất trong ba bộ phận chính của ô tô, tình trạng hoạt động của nó có bình thường hay không liên quan trực tiếp đến sự an toàn khi lái xe.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, khi đèn cảnh báo hỏng động cơ bật sáng chúng ta phải tấp vào lề để kiểm tra kịp thời hoặc liên hệ với tiệm sửa chữa để xử lý, không được xem nhẹ.

Đèn báo lỗi lốp

Cấu tạo của lốp ô tô tương đối đơn giản, nhìn chung chỉ có hai bộ phận cốt lõi là thân lốp cao su và trục bánh xe. Đèn sẽ sáng khi bất kỳ bánh nào có áp suất thấp hơn 25% so với tiêu chuẩn. Lái xe trong tình trạng non hơn làm tăng nguy cơ nổ lốp.

Bánh xẹp cũng khiến lực phanh và lực bám không đều. Làm tăng lực cản ma sát và mức tiêu thụ nhiên liệu. Nguyên nhân có thể lốp bị bục hoặc khí thẩm thấu ra ngoài theo thời gian. Trung bình áp suất hơi trong bánh giảm 0,07 – 0,14 atmosphere. Nhưng đôi khi cũng có thể do cảm biến áp suất lốp hỏng.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, lốp mòn quá mức cũng có thể gây ra báo động, lúc này, các chủ xe nên thay lốp cũ càng sớm càng tốt, vì lốp mòn quá mức có nguy cơ bị thủng bất cứ lúc nào.

Đèn báo lỗi vô lăng

Vô lăng của ô tô là một trong những bộ phận không thể thiếu đảm bảo cho xe chuyển động, quay đầu bình thường, đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình lái xe. Nếu không có vô lăng hoặc các bộ phận của hệ thống lái có bất thường, xe sẽ mất kiểm soát, rất nguy hiểm.

Vì vậy, khi đèn báo lỗi vô lăng trên bảng đồng hồ sáng lên phải dừng xe để kiểm tra, khắc phục kịp thời các lỗi liên quan rồi tiếp tục lái xe.

Ảnh minh họa.

Đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát

Khi đèn “TEMP” sáng chứng tỏ động cơ bị quá nhiệt. Các chi tiết giãn nở quá mức khiến chúng bị kẹt hoặc gãy vỡ như cào xước pít-tông, mòn xu-páp, thổi gioăng quy-lát, hoặc biến dạng xi-lanh.

Nếu khi lái xe ô tô, tài xế thấy đèn TEMP báo sáng, hãy dừng xe ngay lập tức để kiểm tra bình nước làm mát. Có thể nước làm mát bị rò rỉ hoặc cạn, cần tiếp thêm để động cơ hoạt động trở lại bình thường. Đưa xe vào lề đường bạn có thể thấy nước có thể rỉ ra ngoài từ khe hở từ két nước, ống nóng.

Cần chú ý tới mức nước trong bình nước phụ. Tuyệt đối không mở nắp két nước hoặc bình nước phụ khi động cơ còn nóng bởi nước có thể trào ra ngoài gây bỏng. Việc sử dụng đúng chủng loại nước làm mát giúp động cơ vận hành ổn định và bền hơn.

Ảnh minh họa.

Nếu vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện, động cơ ô tô có thể sẽ bị hỏng hóc nghiêm trọng hơn. Chi phí để sửa hay thay thế động cơ là rất lớn.

Đèn báo lỗi phanh

Vô số vụ tai nạn xảy ra phần lớn là do hỏng phanh.

Phanh là một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trên ô tô. Khi phanh bị hỏng, đèn báo lỗi trên bảng đồng hồ sẽ sáng lên, lúc này chúng ta cần dừng lại kiểm tra kịp thời, không được tiếp tục lái xe.

Thường có hai nguyên nhân khiến hệ thống phanh bị hỏng, thứ nhất là má phanh bị mòn quá mức và thứ hai là mức dầu phanh thấp. Bằng cách kiểm tra hai bộ phận này, chúng ta có thể loại bỏ các lỗi liên quan, nếu mức dầu phanh thấp cần được bổ sung kịp thời, nếu má phanh mòn quá mức thì hãy thay thế.

Trên nhiều dòng xe hiện đại ngày nay, hệ thống chống bó cứng phanh được trang bị giúp ngăn chặn bánh xe bị khóa và lốp xe khỏi mất lực kéo trong các tình huống trơn trượt, hệ thống này thường có đèn cảnh báo riêng biệt. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào trường hợp mà đèn phanh có thể báo sáng, phần lớn nguyên nhân của sự cố đến từ bộ cảm biến.

Điều quan trọng lúc này là cần tìm cách dừng xe an toàn. Nếu hệ thống vẫn còn tác dụng hãy phanh cẩn trọng. Sử dụng phanh tay hoặc phanh bằng động cơ với xe số sàn cũng có thể giảm tốc độ xe khi phanh chân không còn ăn.

Mặc dù hỏng hóc ô tô là điều không thể đoán trước nhưng chúng có thể được ngăn ngừa bằng một số phương pháp nhất định. Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu sự cố hỏng hóc của ô tô là bảo dưỡng xe đúng thời gian và kiểm tra, kiểm tra các bộ phận cốt lõi bất cứ lúc nào, nếu thấy cần thay thế thì đừng bao giờ trì hoãn.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tranh-mat-tien-trieu-nho-phat-hien-som-5-canh-bao-tren-xe-o-to-d194248.html