Tranh luận về nhận định 'người dân có tư tưởng chịu đựng tham nhũng'

Phó bí thư Thành ủy TP HCM và Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp có cuộc trao đổi trên nghị trường về nhận định "người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng".

Phiên làm việc của Quốc hội ngày 28/10. Ảnh: Giang Huy

Ngày 28/10, trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga phản ánh: “Đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng, dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền”.

Chưa đồng tình với nhận định nêu trên, Phó bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng tham nhũng gây bất bình, thậm chí bất mãn cho người dân và doanh nghiệp, vì vậy “Quốc hội phải làm gì đó để giải quyết chứ không thế nói như điều mặc nhiên được”.

Giải đáp mối quan tâm của Phó bí thư TP HCM, bà Lê Thị Nga cho biết nhận định này được dẫn theo đánh giá PAPI 2015 - chỉ số được đánh giá bởi Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với một đơn vị của MTTQ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Theo PAPI 2015, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, đòi hối lộ của người dân lớn hơn rất nhiều so với những năm trước.

“Đây là đánh giá mà chúng tôi thấy hợp lý”, bà Nga nói và phân tích do lỗi của các cơ quan chức năng chống tham nhũng chưa tốt nên người dân phải chịu đựng, từ chịu đựng dẫn đến chấp nhận để giải quyết công việc. Ví dụ vi phạm giao thông, không ai muốn nhưng việc đưa và nhận hối lộ khá phổ biến, ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác…

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, việc thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng là rất khó. “Với con số mà Chính phủ đưa ra, đánh giá như thế nào, nếu chỉ căn cứ vào số liệu các vụ án được xử lý giảm dần thì không thể nói tình hình tham nhũng đang ở mức rất nghiêm trọng được”, bà Nga nói.

Để tránh đánh giá cảm tính, Ủy ban tư pháp dựa vào nhiều nguồn, trước hết là từ các nghị quyết liên quan của Đảng, số liệu của Chính phủ, các cuộc giám sát của Hội đồng dân tộc và cơ quan của Quốc hội, từ cảm nhận của người dân và báo cáo của MTTQ. “Kênh quan trọng nữa là qua điều tra xã hội học của các cơ quan, tổ chức đáng tin cậy và từ đánh giá của các tổ chức quốc tế. Chúng tôi cân nhắc lựa chọn từng từ sao cho đúng mức độ”, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp cho biết.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội.

Trước việc báo cáo của Chính phủ nêu tình hình tham nhũng “đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa được đẩy lùi”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu băn khoăn vì sao “chúng ta có đầy đủ bộ máy, có các cơ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng…, mà dường như tham nhũng vẫn nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật”.

Ông Nhưỡng đặt vấn đề “phải chăng có tình trang tham nhũng chồng tham nhũng, trách nhiệm cơ quan chống tham nhũng thế nào?”.

Cũng theo đại biểu Nhưỡng, cử tri rất bức xúc tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chủ trương đúng đắn nhưng bị lợi dụng, nhiều tài sản nghìn tỷ của nhà nước bị hạ giá bằng những mánh khóe trong định giá tài sản để chuyển sang cho tư nhân. “Trong khi người dân chắt chiu lo từng bữa cơm thì tình hình như vậy là rất nhức nhối”, ông Nhưỡng nói.

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/xa-hoi/tranh-luan-ve-nhan-dinh-nguoi-dan-co-tu-tuong-chiu-dung-tham-nhung-30705.html