Tránh kiểu lãnh đạo chậm chạp, chung chung

Để Hải Dương đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra đòi hỏi quyết tâm lớn, trách nhiệm hơn nữa của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền; tránh tình trạng tiến độ chậm, giải pháp chung chung.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đánh giá việc xử lý các dự án chậm tiến độ chưa thực sự tích cực. Trong ảnh: Sau 13 năm, dự án của Công ty CP Vinamit ở TP Hải Dương vẫn là khu đất trống

Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng tiếp tục đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị nêu cao hơn nữa tinh thần chủ động, trách nhiệm, trên quan điểm tất cả vì sự phát triển của tỉnh, vì cuộc sống người dân. Nói tiếp tục bởi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần yêu cầu và kêu gọi như vậy tại hội nghị, các buổi làm việc với cơ sở. Thế nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những nhiệm vụ, những lĩnh vực của tỉnh chưa thực sự đạt được kết quả như yêu cầu, kỳ vọng.

Cùng với những điểm sáng, từ "chậm" vẫn xuất hiện nhiều lần trong đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội quý I/2024. Đó là việc lập kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh, công tác lập quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch phân khu, nâng cấp đô thị theo lộ trình đã được phê duyệt triển khai còn chậm; chưa tích cực xử lý các dự án chậm tiến độ và chậm triển khai theo quy định của pháp luật; nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị chậm tiến độ; công tác đấu giá một số tài sản công còn chậm... Trong những nguyên nhân chủ quan của các hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, sâu sát trong triển khai thực hiện, phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo dõi thông tin các phiên thảo luận tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi thấy có rất nhiều lượt ý kiến phát biểu của các đồng chí là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm thì vẫn còn không ít ý kiến đơn thuần mang tính phản ánh, đề nghị hay đưa ra các giải pháp còn chung chung. Một số công việc cụ thể trong thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng không có sự chủ động vào cuộc giải quyết mà lại đưa ra đề nghị, kiến nghị ở hội nghị Tỉnh ủy. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã "nhắc nhở" hiện tượng "đẩy việc lên cấp trên" khi một số đại biểu kiến nghị giải quyết một số công việc thuộc chính trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện.

Việc chưa thực sự chủ động, trách nhiệm giải quyết công việc của một số đơn vị, địa phương còn được nêu ra trong những cuộc tiếp công dân định kỳ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh gần đây. Công dân đến phản ánh hầu hết là những việc cụ thể, kiến nghị từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vẫn công việc đấy nhưng chỉ đến khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp dân, chỉ đạo rốt ráo thì việc mới thông. Nếu các việc được giải quyết sớm, không chờ đợi đến khi có sự chỉ đạo, đôn đốc của lãnh đạo tỉnh mới thực hiện quyết liệt thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức cho lãnh đạo tỉnh, người dân và chính đơn vị, địa phương đó.

2024 là năm nước rút để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2020-2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trước cả những thuận lợi và nhiều khó khăn, nếu tiến độ các công việc vẫn chậm chạp, các giải pháp để giải quyết những vấn đề phát sinh còn chung chung, không theo phương châm "5 rõ" thì việc về đích của tỉnh vẫn là thách thức.

HOÀNG LONG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tranh-cham-chung-chung-378897.html