Tranh cãi tài nguyên bị khai thác tại dự án cảng Thái Hà

Công ty CP cảng Thái Hà là đơn vị được UBND tỉnh Hà Nam đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa trên sông Hồng. Tổng khối lượng khoáng sản được tận thu là trên 269.229 mét khối. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về khối lượng khai thác của đơn vị này.

Vừa qua, bạn đọc phản ánh có dấu hiệu sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, có thể gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của nhà nước. Cùng với đó, bờ kè sông gần khu vực Cảng Thái Hà khai thác đang bị xuống cấp, sạt lở, làm mất an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.

Khu vực Dự án xây dựng cảng nội địa Thái Hà, thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Năm 2020, Công ty CP cảng Thái Hà được tỉnh Hà Nam cho phép nạo vét và tận thu 269.229 mét khối khoáng sản làm vật liệu san lấp tại chỗ cho dự án xây dựng cảng thủy trên sông Hồng. Thời gian được phép khai thác từ 1/8/2020 đến 30/6/2021. Tiếp đó, ngày 26/7/2021, tỉnh Hà Nam tiếp tục gia hạn cho đơn vị này được khai thác đến hết ngày 30/4/2022, theo văn bản số 1893.

Cụ thể, ngày 15/10/2022, Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Nam), thực hiện công tác đo đạc, tính toán khối lượng đào đắp tài nguyên mà Công ty CP cảng Thái Hà thực hiện nạo vét và sử dụng tại Dự án xây dựng cảng nội địa Thái Hà thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ngày 13/12/2022, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản số 2834/STN&MT-KS về nội dung sau khi thẩm định đã đồng ý với kết quả đo đạc, số lượng tài nguyên mà Công ty CP cảng Thái Hà đã khai thác và sử dụng ghi trong văn bản báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường. Từ đó, xác định nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp và đảm bảo công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Như vậy, trong kết quả thẩm định kết luận khối lượng Công ty CP cảng Thái Hà đã nạo vét tổng thể 275.382m2, tức vượt 6.153m2 so với giấy phép.

Tuy nhiên, lại có một kết quả đo hoàn toàn khác với những số liệu trên. Cụ thể, vào ngày 07-08/03/2023, bà L.T.T.H một trong những cổ đông Công ty CP cảng Thái Hà đã mời Viện công nghệ trắc địa xây dựng thuộc trường Đại học xây dựng Hà Nội về hợp tác. Đơn vị sử dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật chuyên môn hiện đại tiến hành đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình đáy khu vực nói trên và tính toán khối lượng thực tế Công ty CP cảng Thái Hà đã khai thác.

Viện công nghệ trắc địa xây dựng đang tiến hành đo đạc tại khu vực trên

Bất ngờ, kết quả khảo sát cho thấy, thực tế khu vực mà Công ty CP cảng Thái Hà đã khai thác khoáng sản với diện tích khoanh vùng khoảng 4,67 hecta; độ sâu đáy đang dao động từ (-8) mét , có nơi đến (-13) mét, trong khi mức sâu được cấp phép tối đa chỉ là (-4,8) mét (hệ tọa độ VN2000). Từ đó, Viện công nghệ trắc địa xây dựng đã sử dụng phần mềm tính toán khối lượng khoáng sản đã khai thác là 162,381 m2; tương đương giá trị kinh tế 11 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy khối lượng khoáng sản mà đơn vị này đã khai thác trái phép trên toàn bộ diện tích quy hoạch dự án sẽ vượt quy định lớn đến mức nào.

Độ sâu mà giấy phép khai thác cho phép là -4.8 mét

Được biết, Viện công nghệ trắc địa xây dựng thuộc trường Đại học xây dựng Hà Nội là đơn vị có uy tín trong lĩnh vực quan trắc, đo vẽ thành lập bản đồ địa hình đáy biển, khu vực cửa sông, cửa biển… với đội ngũ nhân sự trình độ kỹ thuật cao. Đặc biệt, đơn vị này sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại tiên tiến, đã được cục đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 7 và 8/3/2023, Viện Công nghệ trắc địa xây dựng đã tiến hành đo vẽ, thành lập bản đồ đáy sông cho thấy “hiện trạng cao độ đáy khu vực đậu tàu có độ sâu giao động từ -8m đến -12m.

Từ những thông tin phản ánh và kết quả đo đạc giữa hai đơn vị có sự chênh lệch lớn như vậy, dư luận hoài nghi đâu là kết quả chính xác (!?) Có hay không việc người đứng đầu Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hà Nam) giai đoạn năm 2022 thiếu trách nhiệm trong quản lý, sai quy trình trong công tác thành lập bản đồ địa hình đáy khu vực khai thác dẫn đến kết quả đo đạc độ sâu đáy thực tế và khối lượng khai thác không chính xác?

Tình trạng sạt lở gần bờ kè sông gần khu vực cảng Thái Hà khai thác

Đáng chú ý, theo phản ánh, hiện nay bờ kè sông gần khu vực cảng Thái Hà khai thác đang bị xuống cấp và xuất hiện hiện tượng sạt lở, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đê điều trong mùa mưa lũ nếu như không được ngăn chặn và khắc phục kịp thời.

Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho hay, tháng 2/2023 tại đê Hữu Hồng thuộc địa bàn xã Chân Lý, xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 35 mét, vị trí cách khu vực xây dựng cảng Thái Hà 70 mét về phía thượng lưu. Sở đã có văn bản số 70/BC-SNN ngày 28/02/2023 báo cáo UBND tỉnh, Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai. Đồng thời đề nghị UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ sạt lở. Rồi cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở; thực hiện các biện pháp xử lý để hạn chế sạt lở trong trường hợp cần thiết.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Công lý đã đặt lịch làm việc tại UBND tỉnh Hà Nam, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam nhưng đến nay vẫn chưa có buổi làm việc chính thức.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc có quan điểm về việc có hai kết quả đo đạc chênh lệch tại cùng khu vực khai thác của Công ty CP cảng Thái Hà.

Cụ thể, theo ông Tuấn: Hai kết quả này chênh lệch rất lớn....Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Nam thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật tài nguyên khoáng sản. Lẽ ra Sở phải phát hiện và xử lý vi phạm, nhưng trong vụ việc này, đơn vị chưa thực hiện đúng chức năng. Đặc biết khi bà L.T.T.H, đã tự bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để thuê đơn vị có chuyên môn đo đạc, tính toán xác định khai thác cát vượt quá mức cho phép.

Nhưng đã không được Sở TN&MT tỉnh Hà Nam thụ lý giải quyết, để phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm, có dấu hiệu chiếm đoạt tài nguyên theo quy định của Luật Tố cáo tại Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tố cáo “1. Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền của Sở TM &MT theo quy định của Luật Khoáng sản”. – Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm thông tin liên quan tới vụ việc.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc trao đổi với PV Công lý & Xã hội

Từ thực trạng nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thông tin, thành lập hội đồng thẩm định kết quả đo đạc chính xác. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc quản lý giám sát, khai thác tài nguyên khoáng sản nhằm “trục lợi”, cần xử lý nghiêm, tránh ý kiến kéo dài.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/tranh-cai-tai-nguyen-bi-khai-thac-tai-du-an-cang-thai-ha-402900.html